COMA18 và phao cứu sinh VIDEC

Với bề dày xây lắp công trình dây tải điện nhưng ở mảng bất động sản, COMA18 đang phải cậy nhờ một tên tuổi mới nổi khác trợ lực đẩy nhanh các dự án dang dở, “delay” thời gian qua.
COMA18 và phao cứu sinh VIDEC

COMA18 đang phải cậy nhờ VIDEC trợ lực đẩy nhanh các dự án

Công ty CP COMA18 (trực thuộc Tổng COMA-Bộ Xây dựng quản lý) hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây lắp các công trình đường dây tải điện; xây lắp dân dụng, công nghiệp giao thông thuỷ lợi... Công ty đã thực hiện nhiều công tình xây lắp nổi bật như Nhà máy xi măng Bút Sơn, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn; Quốc lộ 1A; làm chủ đầu tư xây dựng nhiều dự án như: KCN dệt may Bắc Ninh, xây dựng khu chung cư La Khê, Nhà máy chế tạo cột thép và cấu kiện thép tại cụm công nghiệp Bích Hoà – Thanh Oai (Hà Nội)…

Sa lầy trong núi dự án

Phía sau bản trích ngang giàu thành tích, COMA18 đang ghi nhận bộ mặt “èo uột” trên hầu khắp các hoạt động kinh doanh – sản xuất – đầu tư. Tại ĐHĐCĐ 2016 (21/6) của COMA18, nhiều thông tin “xám xịt” về bức tranh hoạt động của DN đã được hé mở.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban kiểm soát COMA18, năm 2015, công ty ghi nhận doanh thu dự án nhà ở Westa 58,736 tỷ đồng, lợi nhuận gộp xác định là (-4,894 tỷ đồng). Trong năm 2015, khi dự án kết thúc hoàn thành bàn giao, công ty tiếp tục điều chỉnh kết quả kinh doanh toàn dự án do có các chi phí của dự án phát sinh tăng như chi phí lãi vay…

Ngoài ra, COMA18 ghi nhận công nợ tạm ứng lớn (trên 24 tỷ đồng) và nợ nội bộ cao. Đến thời điểm 31/12/2015, công ty còn nợ thuế tới 35,8 tỷ đồng, có nguy cơ bị phạt do nợ đọng thuế và truy thu thuế.

Kết thúc năm 2015, COMA18 chưa hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất kinh doanh, doanh thu, giá trị đầu tư, nộp ngân sách… Đặc biệt, doanh thu 2015 chủ yếu đến từ hoạt động bán căn hộ dự án (62,39% tổng doanh thu) trong khi xây lắp cơ khí chỉ chiếm 29,67% tổng doanh thu.

Trong năm 2015, kết quả sản xuất kinh doanh lỗ (-38,383 tỷ đồng) được lý giải bởi nước cờ sai của COMA18. Đơn cử, ở dự án Westa (Hà Nội), ban đầu công ty chủ trương xây chung cư cao cấp, giá thành cao. Nhưng sau đó, công ty đã xin điều chỉnh chia nhỏ căn hộ để phù hợp với nhu cầu thị trường – chi phí đầu tư tăng.

Ngoài ra, những năm gần đây, COMA18 tập trung chủ yếu nguồn lực tài chính vào các dự án BĐS, dự án hạ tầng công nghiệp. Các dự án đang chuẩn bị đầu tư và đầu tư hiện nay lại có quy mô lớn đã dẫn đến tiền vốn bị tồn đọng, tăng chi phí vốn…

Tài liệu thể hiện, “hầu hết các dự án của công ty đều có tổng mức đầu tư lớn, đầu tư dở dang như KCN Kim Thành – Hải Dương, KCN Nhuận Trạch – Hòa Bình và KĐT Nam Dương nhưng do thị trường BĐS và tài chính khó khăn, công ty đã chủ động hoãn, giãn tiến độ để phù hợp với chủ trương của Chính phủ, nhu cầu của thị trường, đồng thời tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác”.

Cứu tinh VIDEC

Riêng đối với dự án Westa, dự án không đáp ứng đúng tiến độ do khó khăn về vốn. Dư nợ vay dự án đến 31/12/2015 ghi nhận rất cao, tạo áp lực nặng nề về vốn thi công cũng như trả nợ vay ngân hàng.

Cuối tháng 6 vừa qua, một sự kiện mang tính bản lề với COMA18, là việc Tổng Giám đốc của công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) trở thành tân Chủ tịch HĐQT của COMA18 nhiệm kỳ 2016-2021. Được biết, ông Trần Đức Huế (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VIDEC) tham gia vào HĐQT COMA18 với tư cách là cổ đông lớn sở hữu 16% vốn COMA18.

Nhân tố mới đến từ VIDEC đã cụ thể hóa bản báo cáo thực hiện đầu tư 2015 và kế hoạch đầu tư 2016 của COMA18 tại kỳ ĐHĐCĐ. Đặc biệt, các dự án quy mô khủng trong lĩnh vực KCN, hạ tầng của COMA18 hứa hẹn tìm được “dòng vốn mới”.

Điển hình, dự án KCN Kim Thành – Hải Dương (quy mô 164,98ha) đã lập xong và được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 10/2010. Với lý do nền kinh tế suy thoái, dự án đã được COMA18 xin tỉnh Hải Dương giãn tiến độ thực hiện chờ thời điểm thích hợp để triển khai.

Đánh giá tiềm năng từ lợi thế vị trí đắc địa, chính sách ưu đãi của tỉnh, COMA18 đã xin tái khởi động và cam kết triển khai nhanh nhất các bước tiếp theo để được cấp chứng nhận đầu tư dự án, thi công hạ tầng, dự kiến cuối 2017 là có hạ tầng.

Chìa khóa chính là: “Phối hợp với công ty VIDEC làm việc với đối tác Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hải Dương, và một số ngân hàng khác để thu xếp nguồn vốn tài trợ cho dự án”.

Tuy nhiên, VDB vẫn là một dấu hỏi bởi tổ chức tín dụng này chưa từng xuất hiện với vai trò là đối tác rót vốn (tài trợ) của VIDEC. Được biết, hiện chỉ ghi nhận HDBank và PVcombank đang “sát cánh” với DN của ông Trần Đức Huế.

Số dự án mà COMA18 đang “giắt lưng” còn nhắc tới: dự án KCN Nhuận Trạch – Hòa Bình (213,68ha, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chủ đầu tư xin giãn tiến độ); dự án chung cư cao tầng trên diện tích 2.000m2 tại Mễ Trì Hạ (Hà Nội)..

Với việc ông Trần Đức Huế trở thành nhân sự cấp cao, COMA18 được kỳ vọng sẽ tiếp cận nguồn vốn để đổ vào các dự án còn thai nghén. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, bản thân VIDEC cũng mới đây gặp đủ lình xình pháp lý ở dự án “con cưng” 283 Khương Trung, hay việc thi công gây ảnh hưởng nặng nề tới dân sinh tại dự án Riverside Garden Vũ Tông Phan.

Nguyễn Cảnh/TBKD

>>Thua lỗ, Prosimex bán “lúa non” dự án?

>>Dự án Imperia Sky “đè” đất nghĩa trang?

Có thể bạn quan tâm