“Cơn gió” nào đang thổi cổ phiếu Đá Spilit tăng gấp đôi sau nửa tháng?

Từ đầu tháng 7 trở lại đây, cổ phiếu SPI của CTCP Đá Spilit (HNX: SPI) liên tục tăng giá với nhiều phiên “phá trần”.
“Cơn gió” nào đang thổi cổ phiếu Đá Spilit tăng gấp đôi sau nửa tháng?

Bất ngờ xuất hiện chuỗi ngày “tím ngắt”

Loanh quanh tại mức giá 2,500 đồng/cp trong suốt nửa đầu năm 2017, tuy nhiên từ đầu tháng 7, cổ phiếu SPI bất ngờ xuất hiện những phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh khoảng 1-2 triệu cp mỗi phiên. Trong 5 phiên giao dịch trở lại đây, SPI liên tục tăng trần cùng khối lượng dư mua hàng triệu cp, trong đó cá biệt có phiên ngày 25/07, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu cp và dư mua gần 2 triệu cp. Tính đến phiên ngày 26/07, thị giá SPI hiện ở mức 5,500 đồng/cp, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 7.

Thị giá cổ phiếu SPI từ đầu tháng 7 đến nay

Một điểm đáng chú ý là con sóng tăng giá này bắt đầu không lâu sau khi 2 cổ đông lớn sót lại của SPI thông báo thoái toàn bộ vốn tại Công ty. Cụ thể, cá nhân Văn Trọng Tụy đã bán 3,15 triệu cp (tương đương 18,73% vốn) và cá nhân Phạm Thị Mai Tuyết đã bán 450.000 cp, giảm sở hữu xuống 4,46% vốn.

Trong quá khứ, SPI cũng đã từng có những đợt “sóng thần” tăng giá mạnh mẽ, tuy nhiên cho đến cùng vẫn là cái kết buồn và triển vọng không mấy tươi sáng.

“Đứa con” bị bỏ rơi và những cuộc “dạo chơi” của ban lãnh đạo

SPI là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2009, hoạt động trong lĩnh vực chính là khai thác đá sỏi đất, sét, lắp đặt hệ thống điện với sản phẩm truyền thống là đá Spilit.

Khởi đầu với số vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng được góp từ 4 cổ đông lớn, hiện nay SPI đã tăng vốn lên hơn 164 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại SPI không hề có cổ đông lớn.

Quay trở lại thời điểm trước khi lên sàn vào cuối tháng 9/2012, danh sách cổ đông lớn của SPI chỉ gồm bà Đỗ Thị Cẩm Thúy sở hữu 69,5% vốn và CTCP Khoáng Sản Hòa Bình (HOSE: KHB) nắm 20% vốn. Trong đó, HKB là cổ đông sáng lập duy nhất còn sót lại. Một điểm đáng chú ý là bà Đỗ Thị Cẩm Thúy làm Chủ tịch HĐQT của cả HKB và SPI ở thời điểm đó. Như vậy, nhóm của bà Thúy đã sở hữu tới 89,5% vốn của SPI.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi niêm yết, HKB đã thoái toàn bộ 20% vốn. Và sau đó, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cũng tiến hành thoái vốn. Đầu năm 2015, sau khi bán toàn bộ phần 1,3 triệu cp, giảm sở hữu xuống còn hơn 7,5% vốn, bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cũng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Thời gian sau đó, sau khi SPI tăng vốn vào năm 2014 và 2015, bà Thúy cũng không còn là cổ đông lớn. Cũng cần nhắc rằng 2 lần tăng vốn vào năm 2014 và 2015 của SPI, đều không đến từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà thông qua việc sáp nhập với Công ty Môi trường Quốc Bảo và phát hành cổ phiếu cho 7 nhà đầu tư để cấn trừ công nợ.

Điểm đặc biệt của cổ phiếu SPI là sự giao dịch tích cực của thành viên Ban lãnh đạo và sự đến đi của cổ đông lớn.

Trong nửa năm 2015 và năm 2016, các thành viên HĐQT tại nhiệm đã thực hiện bán ra mua vào lượng lớn cổ phiếu, nhiều giao dịch trái chiều diễn ra giữa nội bộ trong HĐQT và BKS.

Đơn cử vào tháng 5/2016, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đại Quyền và Ủy viên HĐQT Đoàn Quốc Khánh dường như đã tự “trao tay” nhau 2,7 triệu cp SPI với mức giá quanh 5.900 đồng/cp. 1 tháng sau đó, cặp đôi này lại tiếp tục thực hiện các giao dịch với khối lượng lớn. Từng có thời điểm, khối lượng giao dịch của 2 cá nhân này chiếm tới hơn 40% vốn của SPI. Tuy nhiên, tính đến giao dịch gần nhất vào tháng 08/08/2016, cả hai cá nhân trên đều thoái gần như toàn bộ cổ phần tại SPI (Nguyễn Đại Quyền không còn sở hữu cổ phần, ông Đoàn Quốc Khánh chỉ sở hữu 3.100 cp).

Về phía cổ đông, nhiều cổ đông lớn cũng xuất hiện và biến mất khỏi danh sách chỉ cách nhau trong thời gian ngắn. Đơn cử như trường hợp của cổ đông Cao Xuân Tân và cổ đông Hoàng Minh Chính, ghi tên vào danh sách cổ đông lớn và rút khỏi chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Mới đây, với việc cá nhân Văn Trọng Tụy đã bán 3,15 triệu cp (tương đương 18,73% vốn) và cá nhân Phạm Thị Mai Tuyết bán 450.000 cp, không còn cổ đông lớn.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2017 của SPI phải thực hiện tới 3 lần vì không đảm bảo số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Việc các cổ đông lớn và ban lãnh đạo liên tục thực hiện giao dịch với khối lượng cổ phiếu lớn, không khỏi khiến thị trường đặt ra nghi vấn về số lượng thực sự cổ phiếu “free-load”. Cũng cần đề cập rằng, 1 thành viên trong Ban lãnh đạo của SPI từng bị xử phạt về hành vi làm giả cung cầu và thao túng giá cổ phiếu vào năm 2013.

Có hy vọng nào từ hoạt động kinh doanh?

Nhìn lại quá trình từ khi lên sàn, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty khá ảm đạm. Trong giai đoạn 2012-2015, doanh thu của SPI liên tục trồi sụt, trong khi lợi nhuận ròng mặc dù có tăng trưởng nhưng luôn dưới mức 1 tỷ đồng. Công ty cũng chưa từng thực hiện chia cổ tức. Năm 2016, SPI lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng hơn 1,4 tỷ đồng, tăng trưởng 46%.

KQKD của SPI giai đoạn 2012-2016 (triệu đồng)

“Cơn gió” nào đang thổi cổ phiếu Đá Spilit tăng gấp đôi sau nửa tháng? ảnh 3

Tuy nhiên, vừa qua, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính với SPI về hành vi công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, trong quý IV/2016, thực chất SPI đã lãi ròng hơn 772 triệu đồng, thay vì lỗ hơn 216 triệu đồng như công bố trong BCTC. Như vậy, khoản lợi nhuận ròng cả năm 2016 của SPI sẽ tăng gần 1 tỷ đồng lên mức hơn 2,4 tỷ đồng, cao kỷ lục từ khi lên sàn.

Bên cạnh đó, SPI cũng vừa công bố thoái toàn bộ vốn tại CTCP Thiết bị và xây lắp công nghiệp trị giá 42 tỷ đồng (khoản đầu tư góp vốn của SPI từ năm 2015) theo phương thức thoải thuận nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính và dự kiến sẽ thực hiện trong quý III/2017.

Năm 2017, SPI đặt mục tiêu doanh thu đạt 100 tỷ đồng và có lãi trước thuế 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả mới nhất trong quý I/2017 lại khá thất vọng, SPI chỉ đạt doanh thu hơn 9 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng vỏn vẹn 126 triệu đồng, giảm 98%.

Về tình hình tài chính, tính đến 31/03/2017, SPI có gần 247 tỷ đồng tổng tài sản. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 57% cơ cấu tài sản, chủ yếu là hàng tồn kho (63 tỷ) và khoản phải thu (33 tỷ đồng), bên cạnh đó, SPI còn có khoản cho vay 35,3 tỷ đồng cho 3 cá nhân với lãi suất 10%/năm từ năm 2016. Tài sản dài hạn 105,3 tỷ đồng, chiếm 43%. Mặt khác, SPI cũng đang có khoản nợ vay tài chính hơn 21 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.

Cổ đông lớn lại "bỏ rơi", tình hình kinh doanh chưa khởi sắc ngoại trừ việc sẽ thoái vốn khỏi CTCP Thiết bị và xây lắp công nghiệp, thật khó để nói đợt tăng giá này của SPI là bền vững.

Theo Thế Nhất/ NDH

>> Nhiều quỹ đầu tư nội thắng đậm nửa đầu năm 2017

Có thể bạn quan tâm