Còn hơn 10% vốn đầu tư chưa giải ngân theo kế hoạch 2016

Ước số giải ngân đến hết ngày 31/1/2017, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) là 304.219,4 tỷ đồng, đạt 89,8% so với kế hoạch vốn năm 2016 Nhà nước giao.
Còn hơn 10% vốn đầu tư chưa giải ngân theo kế hoạch 2016

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), tình hình giải ngân kế hoạch vốn 2016 đến thời điểm quyết toán vốn đầu tư công năm 2016 (31/1/2017) đạt tỉ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lũy kế vốn đầu tư giải ngân đến ngày 31/01/2016 là 292.746,3 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch vốn năm 2015. Trong đó, giải ngân các nguồn vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 257.586,6 tỷ đồng, đạt 90,2% kế hoạch, nguồn vốn khác là 46.632,8 tỷ đồng, đạt 87,7% kế hoạch.

Trong số vốn giải ngân của các nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao thì giải ngân vốn đầu tư XDCB là 221.718,9 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch, giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ là 30.074,2 tỷ đồng, đạt 67,2% kế hoạch, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 5.793,5 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch vốn.

Một số nguyên nhân chậm trễ từ đầu năm 2016 là do chủ đầu tư lúng túng khi triển khai các thủ tục đầu tư theo các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như sự “đủng đỉnh” trong giải ngân những tháng đầu năm của không ít bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công.

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Tới tháng 11, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Công điện số 2144/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017…

Bộ Tài chính đã phải sử dụng biện pháp khá mạnh là kiên quyết không bố trí vốn năm 2017 cho những dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch. Còn với nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tập hợp danh sách bộ ngành, địa phương đến 30/11/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao để thực hiện cắt giảm 80% số vốn nước ngoài còn lại đối với đơn vị giải ngân dưới 10%; cắt giảm 50% số vốn đối với đơn vị giải ngân từ 10% đến dưới 30%; cắt giảm 30% số vốn đối với đơn vị giải ngân từ 30% đến dưới 50% kế hoạch… Những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc của Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của của các bộ, ngành và địa phương, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của nửa cuối năm 2016 đã cải thiện.

Bộ Tài chính cũng cho biết, tình hình giải ngân kế hoạch vốn 2017, tính đến ngày 31/1/2017, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước ước đạt 8.150 tỷ đồng, đạt 2,6% so với kế hoạch Nhà nước giao năm 2017. Dự kiến kế hoạch Nhà nước giao năm 2017 đến thời điểm báo cáo là 311.192,6 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân là 5.700 tỷ đồng, đạt 2,2% kế hoạch (bao gồm: vốn XDCB giải ngân là 5.700 tỷ đồng, đạt 2,6% kế hoạch nhà nước giao; vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn Chương trình mục tiêu chưa giao kế hoạch vốn nên chưa thực hiện giải ngân); Nguồn vốn khác giải ngân là 2.450 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch năm Kho bạc Nhà nước nhận được từ cơ quan tài chính.

Để khắc phục việc giải ngân chậm tiến độ như năm 2016, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai ngay từ những ngày đầu năm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, đồng thời khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn, trong áp dụng và thực thi pháp luật liên quan như: Hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường phân cấp, phân quyền trong thẩm định dự án đầu tư. Đồng thời, cần tổ chức lại các ban quản lý dự án, tăng cường năng lực các ban quản lý…

Theo VGP NEWS

>> Không giải ngân hết vốn, lãnh đạo bộ ngành sẽ bị kiểm điểm

Có thể bạn quan tâm