“Còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là ‘cơ hội lớn’ cho ngành chế biến gỗ Việt Nam”

Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột vẫn có thể xảy ra, và cho tới giờ này vẫn chưa có gì là chắc chắn, bởi suy cho cùng, đây vẫn là cuộc chiến gây bất lợi cho cả hai.
“Còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là ‘cơ hội lớn’ cho ngành chế biến gỗ Việt Nam”

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương tại sự kiện sáng 7/12

Đó là ý kiến của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, tại hội thảo “Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn Hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam” do Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức, diễn ra sáng 7/12, tại TP.HCM.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa đi đến một thỏa thuận chung để chấm dứt xung đột, một số chuyên gia nhận định đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí đầu tư vào chế biến gỗ.

Theo nhận định của một số chuyên gia, doanh nghiệp, trong thương mại quốc tế, chênh lệch thuế 10% là đủ lớn để cân nhắc việc dịch chuyển đơn hàng đối với các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp; nếu chênh lệch thuế lên đến 25%, sẽ diễn ra sự dịch chuyển đơn hàng ở cấp độ lớn, kể cả đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thậm chí là xem xét dịch chuyển đầu tư.

Tháng 9 vừa qua, Mỹ quyết định đánh thuế bổ sung vào 200 tỷ USD xuất khẩu nữa của Trung Quốc, mức thuế là 10%, dự kiến sẽ tăng lên 25%. Trước đó, vào 7/2018, mở đầu căng thẳng leo thang, Trung Quốc bị đánh thuế 818 mặt hàng, trị giá khoảng 34 tỷ USD, mức thuế 25%, sau tăng lên 50 tỷ USD, cùng mức thuế 25%. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm gỗ nào bị đánh thuế trong số 50 tỷ này.

Thế nhưng, ở góc độ khác, ông Khánh cho rằng, nếu mức thuế chỉ là 10%, sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp như các loại ván dán, ván dăm. Nếu mức thuế là 25%, sự dịch chuyển sẽ diễn ra ở diện rộng hơn, bao gồm cả những mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn như đồ gỗ nội thất.

Còn nếu chuỗi cung ứng có lý do để tin rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài thì kể cả với mức thuế 10%, họ sẽ cân nhắc rất nghiêm túc về việc dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi bởi dù sao chúng ta cũng là nước XK sản phẩm gỗ thứ 5 thế giới, khả năng chế biến gỗ đã được chứng minh.

Nhưng một khi mức thuế vẫn được giữ ở mức 10% và Mỹ - Trung đã thống nhất không leo thang thêm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 1/1/2019, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chờ đợi. Dịch chuyển đơn hàng có thể vẫn diễn ra nhưng quy mô sẽ không đủ lớn để có thể gọi là "xu hướng".

Có thể nói, độ lớn và độ bền vững của xu hướng sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là, mức thuế mà Hoa Kỳ đánh vào sản phẩm của Trung Quốc. Hai là, mường tượng của các chuỗi cung ứng về thời gian kéo dài cuộc chiến.

Cho tới giờ này, vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận vẫn tồn tại, và không hề nhỏ bởi suy cho cùng, xung đột thương mại là không có lợi cho cả 2. Vì vậy, có lẽ vẫn còn quá sớm để coi xung đột thương mại Mỹ - Trung là “cơ hội lớn” cho ngành chế biến gỗ Việt Nam”, ông Trần Quốc Khánh nhận định.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng, có thể là không nhỏ, nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển về kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Bởi, nếu cả 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019 sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần chú trọng thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ mới được ký với EU vào tháng 10 vừa qua. Nếu thành công trong việc thực thi FLEGT, cơ hội to lớn sẽ mở ra cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, không chỉ trên thị trường EU mà còn ở cả các thị trường lớn khác như Mỹ và Nhật Bản.

“Kinh doanh là sự tổng hòa giữa cơ hội và rủi ro. Có những điều tưởng là cơ hội, thí dụ như xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng đi sâu phân tích thì có thể thấy rủi ro cũng rất lớn hay ít nhất thì cơ hội cũng không lớn như ta tưởng. Có những điều tưởng như là sức ép, là thách thức, như tuân thủ Hiệp định FLEGT, nhưng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn thì đây lại chính là cơ hội”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh cũng lưu ý: Để ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả và chất lượng, đáp ứng được quy tắc xuất xứ Việt Nam thì phải nói không với gỗ lậu và các hành vi bất hợp pháp, quan tâm đến người tiêu dùng và đặc biệt phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

Nếu làm được những điều cơ bản trên, trong dài hạn, đây chắc chắn sẽ là một ngành có thể phát triển mạnh mà không cần phải quá để ý đến việc Mỹ - Trung đang làm gì hay liệu bao giờ thì EVFTA được đưa vào thực thi.

Có thể bạn quan tâm