Công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương, VEAM đã mắc nhiều sai phạm trong quản lý tài sản, cán bộ, chuyển một số vụ việc của VEAM sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi
Công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM

Bộ Công thương vừa công bố kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/ 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hằng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

"Tổng công ty có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sử dụng vốn, tài sản, công nợ... gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước", Bộ Công thương nêu rõ.

Bộ Công Thương yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Cũng liên quan tới những vấn đề lùm xùm tại VEAM, đầu tháng 4, Bộ Công Thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an và cơ quan này đang điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Cùng thời điểm này, VEAM công bố thông tin lên UBCKNN về việc HĐQT có nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM với ông Trần Ngọc Hà. Người thay thế ông Hà điều hành VEAM là ông Ngô Văn Tuyển - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc.

Việc ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức vụ tổng giám đốc liên quan tới việc cuối năm 2017, ông này tự quyết định và giao Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT.

Ngay sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, ông Trần Ngọc Hà đã có phản ứng rất mạnh mẽ, cho rằng, quyết định bãi nhiệm đối với ông là vi phạm quy định của Đảng, thiếu căn cứ khi mà ông đã điều hành mọi hoạt động của VEAM hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch mà ĐHĐCĐ và HĐQT giao năm 2017.

Trong các văn bản giải trình sau đó, VEAM cho rằng việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có "thiếu sót" về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Theo số liệu do VEAM công bố, năm 2018, tổng công ty này đạt mức lợi nhuận rất cao: Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 7.130 tỉ đồng, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết (chủ yếu từ Honda, Toyota, Ford) lên tới 6.849 tỉ đồng, tăng 32%.

VEAM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2019 tăng hơn 26% lên 6.429 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết có thể đạt đến 6.648 tỷ đồng.

 >> Hồ sơ về sai phạm tại VEAM đã được chuyển sang Bộ Công an

Có thể bạn quan tâm