Công bố PCI 2018: Quảng Ninh năm thứ 2 liên tiếp giữ “ngôi vương”

Trong lễ công bố PCI 2018, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu năm thứ hai liên tiếp. Tiếp sau đó là ba tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có đư
Công bố PCI 2018: Quảng Ninh năm thứ 2 liên tiếp giữ “ngôi vương”

Toàn cảnh lễ công bố

Lễ công bố báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI 2018) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) diễn ra sáng nay (28/3) tại Hà Nội.

Có nhiều tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội

Phát biểu tại lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi lời chúc mừng tới các tỉnh dẫn đầu nói trên đồng thời cho biết: “Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.... và nhiều tỉnh, thành phố khác”. 

Chủ tịch VCCI cho biết thêm, đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, lần đầu tiên Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một Thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại lễ công bố

Tuy nhiên người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo âu, khi chỉ số PCI mấy năm qua, đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng.

“Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương, từ các bộ ngành” – TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Để cải thiện tình trạng trên, theo TS Vũ Tiến Lộc, cần đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế nước ta mà chúng ta hy vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta sẽ khởi động và thúc đẩy quá trình này.

PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước

Chủ tịch VCCI cho biết thêm, PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một  thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.

Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.

Nhiều đại biểu đến từ các tổ chức trong và ngoài nước đã đến tham dự lễ công bố

Các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham những vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.

Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

“Bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực” – Chủ tịch VCCI khẳng định. Mặc dù vậy, nhưng ông lộc vẫn cho rằng có nhiều điểm còn đáng quan ngại. Cụ thể, chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân. Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanhvẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải …

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch VCCI cho biết, năm nay hình ảnh bức tranh “Sắc Thu” của hoạ sỹ Phạm Hoàng Anh được chọn làm ý tưởng cho thiết kế Báo cáo PCI. Sắc Thu bao giờ cũng gắn với mùa vàng. Và ông Lộc hy vọng: “Cải cách ở địa phương sẽ có mùa vàng và khu vực tư nhân ở Việt Nam sẽ gặt hái những chùm quả ngọt”.

 Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.           

Có thể bạn quan tâm