CPTPP sẽ giúp thời trang Việt “bơi ra biển lớn”

Đó là nhận định của bà Hà Bùi - Tổng Giám đốc Thời trang Sohee khi chia sẻ với Thương Gia về sự phát triển của ngành thời trang Việt trong thời gian tới trước tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện
CPTPP sẽ giúp thời trang Việt “bơi ra biển lớn”

Theo bà Hà Bùi, CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Tất nhiên, cùng với đó, CPTPP cũng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công…

- Trong thời gian qua, thời trang Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt. Là người đứng đầu của một hãng thời trang có tiếng, bà có nhận định gì về sự phát triển của ngành thời trang may mặc (thị trường, xu hướng,…) Việt Nam nói riêng, quốc tế nói chung trong thời gian tới?

Theo tôi, năm 2018 sẽ là thời điểm cao trào trong cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang quốc tế với các thương hiệu thời trang trong nước.

Nguyên nhân là do phân khúc thời trang công sở Việt Nam đang dần bão hoà, buộc phải “san sẻ” thị trường cho các designer brand. Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế bình dân đình đám như Zara, H&M... đổ bộ đã chiếm lĩnh một lượng lớn khách hàng.

Mặt khác, càng ngày con mắt nhận định về thời trang của người Việt Nam càng bắt kịp với xu thế của thế giới. Các “ông lớn” như Dior, Chanel, Gucci,…vẫn luôn dẫn đầu xu hướng thời trang cho giới trẻ, tạo nên một làn sóng mới, khiến giới mộ điệu ngày càng thời thượng và tinh tế.

Chính vì tốc độ du nhập về xu hướng ngày càng nhanh chóng khiến các thương hiệu trong nước phải “đau đầu” tìm cách giữ lượng khách cũ và thu hút thêm lượng khách mới. Đây dường như là một thử thách lớn cho các thương hiệu thời trang trong nước trong việc “chạy đua” về xu hướng, chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ.

- CPTPP chính thức được ký kết vừa qua sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì đến doanh nghiệp bà đang điều hành – lĩnh vực thời trang?

Qua tìm hiểu, tôi biết rằng Hoa Kỳ không còn tham gia Hiệp định nhưng CPTPP vẫn có sự tham gia của những thị trường lớn như Canada hay Nhật Bản... Điều này giúp thương hiệu của chúng tôi nói riêng và nhiều thương hiệu khác của Việt Nam nói chung có dịp “bơi ra biển lớn”, tiếp cận được nhiều thị trường, nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng mới. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, các thương hiệu nước ngoài cũng sẽ đổ bộ vào Việt Nam, điều này khiến sự cạnh tranh ngày càng cao hơn.

- Vậy doanh nghiệp bà đã có phương án nào để có thể đứng vững trong môi trường đầy sự cạnh tranh đó, thưa bà?

Trước mọi hoàn cảnh - dù là thuận lợi hay khó khăn thì tôi luôn tin rằng nếu sản phẩm của mình đủ tốt sẽ luôn được người tiêu dùng đón nhận. Đó là lý do trong thời gian tới, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục tiếp cận, học hỏi những xu hướng thời trang quốc tế; chắt lọc những tinh tuý từ những nhà thiết kế hàng đầu trong khi vẫn giữ những bản sắc của riêng mình để đem tới cho khách hàng những sản phẩm ưng ý nhất, chất lượng nhất.

 - Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Có thể bạn quan tâm