Cư dân Charm Plaza tố chủ đầu tư DCT chiếm đoạt nhà sinh hoạt cộng đồng

Tầng trệt (tầng G) chung cư Charm Plaza được phê duyệt làm nhà sinh hoạt cộng đồng, thế nhưng hiện nay chủ đầu tư DCT lại sử dụng làm khu nhà mẫu cho dự án Charm City.

Vừa qua, Thương Gia liên tục nhận được phản ánh của cư dân tại chung cư Block B1 – Khu phức hợp Charm Plaza 1 về việc Công ty TNHH DCT Partners (Công ty DCT) đã tự ý thay đổi công năng tầng G của chung cư để sử dụng cho mục đích riêng của công ty.

Cư dân tố chủ đầu tư DCT chiếm đoạt nhà sinh hoạt cộng đồng
Cư dân tố chủ đầu tư DCT chiếm đoạt nhà sinh hoạt cộng đồng

Cụ thể, theo đơn tố cáo của cư dân thì toàn bộ diện tích tầng G được phê duyệt sử dụng cho mục đích cộng đồng, bao gồm: nhà tang lễ, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà trẻ.

Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao nhà vào năm 2012 đến nay mục đích của tầng G lại được chủ đầu tư sử dụng cho thuê làm phòng tập gym, siêu thị mi ni, nhà hàng, văn phòng làm việc và gần đây là mở khu nhà mẫu và sảnh đón khách đến tham quan mua nhà tại dự án mới của công ty DCT mang tên Charm City.

Nhận thấy sự vô lý của chủ đầu tư DCT, cuối năm 2018, nhiều cư dân đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương để đòi quyền lợi. Sau đó, đến ngày 9/3/2019, chủ đầu tư DCT có động thái bàn giao 50m2 tầng G và 100m2 sàn tầng 1 để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và soạn ngay “Biên bản bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng và đồng ý để chủ đầu tư thay đổi công năng” với nội dung chấp thuận cho chủ đầu tư là Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam thay đổi công năng của phần diện tích tầng trệt thành thương mại dịch vụ toàn quyền sở hữu của chủ đầu tư.

Một phần diện tích tầng G được chủ đầu tư DCT sử dụng làm nhà mẫu cho dự án Charm City
Một phần diện tích tầng G được chủ đầu tư DCT sử dụng làm nhà mẫu cho dự án Charm City

“Do cư dân chúng tôi lúc đó không được tổ chức hội nghị nhà chung cư để nghe phổ biến cụ thể về vấn đề trên. Hơn nữa, ban quản trị chỉ thông báo là họ đòi được chủ đầu tư cung cấp cho cư dân tổng cộng 2 vị trí là 150m2 diện tích sàn để làm khu sinh hoạt cộng đồng và mang biên bản đến từng nhà để kí, nhiều người không đọc kĩ, hiểu nhầm vấn đề nên đã kí vào biên bản này”, một cư dân cho hay.

Nhưng điều đáng nói ở đây là nhiều cư dân không hề đặt bút kí vào biên bản, thế nhưng khi biên bản được trình ra thì lại thấy chữ ký của mình nằm trong đó.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014 nghiêm cấm các hành vi: Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cư dân căng băng rôn phản đối việc chủ đầu tư chiếm đoạt nhà sinh hoạt cộng đồng
Cư dân căng băng rôn phản đối việc chủ đầu tư chiếm đoạt nhà sinh hoạt cộng đồng

Bên cạnh đó, trong Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng quy định rõ: Nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án được phê duyệt. Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng của từng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế ban hành kèm Thông tư này và pháp luật có liên quan.

“Đồng thời, sẽ phạt tiền từ 250 đến 300 triệu đồng đối với những trường hợp chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp”, Luật sư Bình cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm