Cựu Thủ tướng Singapore: “Sẽ có lợi nếu Trung Quốc được mời vào TPP”

Hiện nay Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước thành viên. Vì vậy việc Trung Quốc gia nhập TPP hoàn toàn hợp lý.
Cựu Thủ tướng Singapore: “Sẽ có lợi nếu Trung Quốc được mời vào TPP”

“Trung Quốc và Nhật có vai trò quan trọng trong tự do thương mại và hội nhập kinh tế tại châu Á châu Á và họ nên làm việc đó trong thế hợp tác chứ không phải đối đầu”, cựu Thủ tướng Singapore, ông Goh Chok Tong, tuyên bố tại Hội nghị tương lai châu Á ở Tokyo trong ngày thứ Ba.

Theo báo Nikkei, khi nói về hiệp định TPP mới khi Mỹ đã rút lui, ông Goh cho rằng Nhật nên giữ vai trò chủ đạo và để ngỏ cửa để Trung Quốc tham gia.

“Đã đến lúc châu Á ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do và công bằng, tận dụng tối đa lợi ích của toàn cầu hóa”, ông Goh Chok Tong nhấn mạnh.

Ông Goh cho rằng châu Á hội tụ đủ các điều kiện để phát triển hơn nữa thương mại tự do và hội nhập kinh tế. Nay khi Mỹ đã không còn tham gia TPP, ông Goh cho rằng Nhật cần “gửi tín hiệu” đến Trung Quốc rằng Trung Quốc hoàn toàn được chào đón.

Khi được hỏi về khả năng nếu được mời, khi nào Trung Quốc sẽ tham gia, ông Goh dự báo: “Tôi không cho rằng điều đó có thể xảy ra trong 5 năm tới”. Theo lý giải của ông Goh, Trung Quốc sẽ cần phải thắt chặt hơn nữa các quy định về thương mại và bản quyền sở hữu trí tuệ. Còn nếu Trung Quốc không tham gia, ít nhất các nước thành viên TPP đã thể hiện được thiện chí với Trung Quốc.

Nhiều người đứng đầu doanh nghiệp lớn tại Nhật khi lắng nghe bài phát biểu của ông Goh đã hỏi ông về tương lai thương mại tự do tại châu Á với sự góp mặt của Trung Quốc, ông Goh nhắc đến việc Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới “Một vành đai - Một con đường” kết nối nhiều nước châu Á, châu Âu để thúc đẩy thương mại tự do. Dự án này của Trung Quốc sẽ làm cho kinh tế khu vực hội nhập sâu hơn chứ không gây chia rẽ.

Trên phương diện an ninh, ông Goh vô cùng lo lắng về rủi ro ngày một lớn từ hoạt động của Tổ chức nhà nước hồi giáo (IS): “IS đang cố gắng xây dựng căn cứ ở Philippines và phát triển các chân rết sang Malaysia, Indonesia, Nam Thái Lan và Singapore.”

Cũng trong cùng ngày, cựu chủ tịch của Goldman Sachs tại Trung Quốc và nay đang làm chủ tịch quỹ Primavera , ông Fred Hu, cũng chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc nên được mời vào TPP: “Tôi được biết Thủ tướng Shinze Abe cam kết sẽ hiện thực hóa TPP dù không cần đến Mỹ. Tôi tin đó là một sáng kiến tốt. Thế nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu 11 nước thành viên hiện tại có thể mời Trung Quốc trở thành thành viên của TPP.”

Ông Hu lý giải kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước thành viên đã khá vất vả khi cố gắng thương thảo về TPP. Hiện nay Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước thành viên, vì vậy việc Trung Quốc gia nhập TPP hoàn toàn hợp lý.

Nói về Trung Quốc, ông Hu phân tích: “Tất nhiên tôi hiểu rằng Trung Quốc vẫn đang duy trì nhiều tập đoàn nhà nước, tiêu chuẩn môi trường của Trung Quốc cũng chưa cao. Thế nhưng đây chính là cơ hội để các nước thành viên gây sức ép buộc Trung Quốc phải cải cách nhanh hơn. Tất nhiên dù không gia nhập TPP, Trung Quốc sẽ vẫn dần cải thiện các yếu tố trên, nhưng việc tham gia TPP sẽ làm cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn.” Ông Hu tin rằng Trung Quốc cũng sẽ muốn tham gia TPP “nếu được mời”.

Ông khẳng định một Trung Quốc đổi mới, tự do hơn sẽ rất có lợi cho châu Á. Nền kinh tế thị trường của Trung Quốc hội nhập sâu hơn với nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới sẽ giúp củng cố ổn định và hòa bình cho khu vực. Khi Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải “hành xử” điềm tĩnh hơn.

Theo Bizlive.vn

>> Việt Nam đưa ra quan điểm về một TPP không có Mỹ

Có thể bạn quan tâm