Đà Lạt yêu cầu tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ “Vườn thượng uyển bay” từ ngày 6/5

Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng của Khu du lịch “Vườn thượng uyển bay”, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ công trình này.
Đà Lạt yêu cầu tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ “Vườn thượng uyển bay” từ ngày 6/5

UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã ra Quyết định số 1954/UBND-XD (ký ngày 20/4/2020), yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ, buộc khắc phục hậu quả đối với công trình “Vườn thượng uyển bay” tại đường Mimosa (phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Thời gian các đơn vị tiến hành cưỡng chế tháo dỡ từ ngày 6-8/5/2020.

Theo nội dung Quyết định số 1954, thành phố Đà Lạt yêu cầu các đơn vị: Công an, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Điện lực Đà Lạt, Phòng Tư pháp, Phòng Quản lý đô thị, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng phối hợp với Ủy ban Nhân dân Phường 10 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị của bà Vũ Thị Ái tại thửa đất số 43-44, tờ bản đồ E118 II trên đường Mimosa.

Được biết, Khu du lịch “Vườn thượng uyển bay” được xây dựng và hoàn thiện trên khu đất có tổng diện tích 3.547m2, thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ của thành phố Đà Lạt và dù không được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã đi vào hoạt động kinh doanh du lịch từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Trước đó, ngày 20/2/2020, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với sai phạm điểm du lịch canh nông “Vườn thượng uyển bay” của Hợp tác xã Du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng; thời gian thực hiện cưỡng chế tháo dỡ và hoàn thành từ ngày 7-8/4.

Tuy nhiên, do thời gian giãn cách xã hội và doanh nghiệp xin tự tháo dỡ khắc phục hậu quả nên việc tháo dỡ 4 khối công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu chưa được thực hiện.

Công trình không phép ''Vườn thượng uyển bay'' do chủ đất là bà Vũ Thị Ái xây dựng. Tháng 4/2019, bà Ái chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1,7 ha đất nông nghiệp thuộc các thửa 43, 44, 45, mặt tiền Quốc lộ 20 (đoạn qua đèo Mimosa).

Sau đó, bà Ái xây dựng hàng loạt công trình chui để kinh doanh như: San ủi đất phân lô, nền; xây dựng các công trình kiên cố, tiểu cảnh, nhà bán hàng, văn phòng làm việc, phòng bán vé, kinh doanh giải khát; đặc biệt là 26 phòng, buồng lưu trú quy mô lớn...

Phát hiện sự việc trên, UBND phường 10 và UBND thành phố Đà Lạt đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình. Đồng thời, UBND phường 10 cũng đã cắm biển để cảnh báo người dân rằng khu vực này được quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Để tiếp tục kinh doanh, bà Ái chuyển sang lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã (HTX) Du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng rồi lập báo cáo đề xuất thực hiện dự án đầu tư Điểm du lịch canh nông ''Vườn thượng uyển bay''.

Sau đó, dù vẫn chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nhưng HTX Xuân Ái Hùng đã tự ý cho triển khai xây dựng hàng loạt hạng mục công trình không phép trên khu đất nông nghiệp. Đến nay, diện tích xây dựng trái phép đã lên đến hơn 3.500m2, bao gồm nhiều hạng mục phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Từ sai phạm trên, UBND thành phố Đà Lạt ban hành quyết định đình chỉ thi công, cấm bán vé để xử lý công trình vi phạm này. Đồng thời có quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm.

Tính từ ngày 1/7/2019 đến ngày 14/2/2020, công trình vi phạm trật tự xây dựng này đã có 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư cũng đã nộp phạt nhiều lần. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành mà đã cho công trình du lịch hoạt động trở lại.

Trước đó, ngày 16/3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2017/VPCP-V.I, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, giao UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2020.

Có thể bạn quan tâm