"Đại chiến" taxi: Không thể đặt quyền quyết "số phận" Uber, Grab về các thành phố

Chỉ ra những điểm bất hợp lý trong quá trình thí điểm Uber, Grab, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT đẩy trách nhiệm giới hạn số phương tiện tham gia thí điểm về các thành phố là không ổn. Vi
"Đại chiến" taxi: Không thể đặt quyền quyết "số phận" Uber, Grab về các thành phố

Theo thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa chủ trì cuộc gặp gỡ giữa đại diện Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi Hà Nội, đại diện Uber, Grab để các bên tiếp tục tranh luận về cách quản lý, loại hình dịch vụ đang cung cấp nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Tại buổi gặp mặt, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội trích dẫn 3 điều trong Văn bản số 9299 của Bộ Công Thương ngày 6/10 gửi Văn phòng Chính phủ nhằm nêu ra một số điểm chưa hợp lý trong quy định hiện hành về quản lý dịch vụ taxi công nghệ.

Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và điều này dẫn đến 3 hệ quả khi quản lý, tạo ra sự thiếu công bằng.

Cụ thể, các đơn vị này không chịu trách nhiệm về vấn đề bảo đảm an toàn hành khách và người trên đường trong khi chính họ là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng; không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm.

Trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này ở nước ngoài thì việc các doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO vì Việt Nam không có cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, cần đánh giá dịch vụ xe thí điểm như Grab, Uber trên các số liệu chứng cứ khoa học như số liệu xe, doanh thu, thuế ngân sách. Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị làm rõ thuế, phí đối với 80% doanh thu từ các đối tác của taxi công nghệ sau sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện khi thí điểm.

“Số lượng xe thu gom thí điểm từ 2.000 xe tăng lên đến hàng chục nghìn chiếc nhưng tiền nộp ngân sách gần như không đáng kể, không thu được thuế, phí, bảo hiểm xã hội. Do đó, cần phải làm rõ có hay không có việc thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng”, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị.

Tiếp tục chỉ ra những điểm bất hợp lý trong quá trình thí điểm Uber, Grab, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT đẩy trách nhiệm giới hạn số phương tiện tham gia thí điểm về các thành phố là không ổn. Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng việc số lượng xe Uber, Grab tăng vọt, gây ùn tắc là trách nhiệm của Bộ GTVT.

Về những nội dung trên, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ GTVT xây dựng quy hoạch giao thông vận tải cho toàn ngành theo từng giai đoạn. Các địa phương sẽ có quy hoạch GTVT gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, chuyện nhiều hay ít phương tiện là thẩm quyền của địa phương quyết định trên cơ sở quy hoạch GTVT được HĐND thông qua và UBND ký duyệt. Bộ chỉ đưa ra chủ trương, không can thiệp sâu vào số lượng xe”.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng gợi mở việc hợp tác giữa Hiệp hội Taxi Hà Nội với Uber nhằm đưa ra hướng phát triển áp dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận chuyển. Về vấn đề này, đại diện Uber cho biết, sẵn sàng chia sẻ nếu các hãng taxi chuyển sang phương thức hợp đồng điện tử. Theo Uber, trường hợp này đã xảy ra ở nhiều nước Đông Nam Á khác.

Cũng tại buổi gặp mặt này, Hiệp hội Taxi Hà Nội và các hãng taxi có mặt đều khẳng định, không phản đối Uber, Grab nhưng cần sự công bằng trong cạnh tranh kinh doanh.

Một trong những khúc mắc lớn nhất là các biển báo cấm taxi không áp dụng với các phương tiện tham gia Uber và Grab. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Taxi Hà Nội có thể sẽ xem xét kiến nghị để gỡ bỏ biển cấm taxi tại một số khu vực nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Có thể bạn quan tâm