Đại gia Novaland “ôm” khối nợ khủng hơn 1 tỷ USD

Cổ phiếu NVL- CTCP tập đoàn Novaland bất ngờ tăng vọt từ 50.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP ngay phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE. Bỏ xa các công ty địa ốc khác, Novaland cũng hé lộ về “sức khoẻ” tài
Đại gia Novaland “ôm” khối nợ khủng hơn 1 tỷ USD

Dồn dập xuất hiện các thông tin tốt về tiến độ các dự án bất động sản, ước tính lợi nhuận “khủng” của Novaland khi cổ phiếu lên sàn…

Kỳ lạ cổ phiếu địa ốc

Novaland có lẽ là trường hợp gây bất ngờ nhất thị trường khi mọi thông tin về kế hoạch niêm yết được “ém nhẹm” tới phút cuối. Ngày 28/12, Novaland “đổ bộ” lên sàn HOSE với khối lượng “khủng” tới 589 triệu CP. Từ mức giá tham chiếu phiên 50.000 đồng/CP, NVL nhanh chóng tăng vọt lên 60.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu đơn vị.

Ngày 29/12, tiếp tục giao dịch 3 triệu cổ phiếu ở mức giá 60.100 đồng/CP. Vậy ai đã mạnh tay gom 10 triệu cổ phiếu NVL hai phiên này với tổng giá trị lên tới 600 tỷ đồng?

Còn nhớ, tháng 8/2015, công ty tài chính EVN Finance quyết định mua 5,7 triệu cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi Novaland với giá mua 60.000 đồng/CP, kỳ hạn 2 năm, có lãi suất… Khoản đầu tư trị giá 342 tỷ đồng này có tính chất như khoản cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ có kèm cam kết Novaland trả bằng 3 cổ phần phổ thông cho mỗi cổ phần thuộc sở hữu của EVN Finance nếu đến hạn mà Novaland không mua lại 5,7 triệu cổ phần nêu trên.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ khi giá cổ phiếu NVL tăng ngay lên mức 60.000 đồng/CP, như mức giá mà EVN Finance đã mua cổ phiếu Novaland trước đây. Nếu ở thời điểm này, EVN Finance có nhu cầu thu hồi lại khoản đầu tư, thì giá cổ phiếu NVL hiện tại sẽ đảm bảo “hoà vốn” cho số nợ gốc mà công ty cần thu hồi.

Và nếu Novaland không mua lại 5,7 triệu cổ phần ưu đãi trước đây thì sẽ phải trả tương ứng bằng 17,1 triệu cổ phần phổ thông hiện tại với giá 0 đồng. Đây có lẽ là một “giao kèo” khá lạ trong phi vụ đầu tư EVN Finance và Novaland…

Liên quan tới khoản đầu tư kỳ lạ của EVN Finance, Thương Gia điện tử sẽ có phản ánh chi tiết.

Với giá cao, khối lượng khủng và giá khá cao, vốn hoá của “tân binh” Novaland đạt hơn 29.500 tỷ đồng, chỉ xếp sau Tập đoàn Vingroup (111.575 tỷ đồng), vượt xa các công ty lớn khác như Viglacera, Vinaconex, Đất Xanh Group, Hoà Bình, FLC…

Cùng thời điểm, lãnh đạo Novaland cũng hé mở kết quả kinh doanh khả quan, theo đó, năm 2017 khi bàn giao 7 dự án (đã được bán từ năm 2014-2015) thì đem về doanh thu thuần 17.528 tỷ đồng, và 3.144 tỷ đồng lãi ròng.

Hiện, Novaland có danh mục đầu tư tới 40 dự án, chủ yếu ở khu vực TP.HCM, tăng thêm 10 dự án so với hồi tháng 5 vừa qua. Một số dự án mới như Madison số 15 Thi Sách, Q1, Tp.HCM, Khu đô thị Lakeview City, Khu đô thị Harbor City, Sài Gòn Royal (đường Bến Vân Đồn, Q1, TP.HCM)…

Phát triển hàng chục dự án quy mô “khủng”, vậy nguồn lực tài chính ở đâu và sức khoẻ của Novaland liệu có đảm bảo thực hiện các dự án này hay không?

 Hé lộ khối nợ “khủng”

Novaland rất kín tiếng về tình hình tài chính, nguồn vốn đầu tư và không công bố công khai. Chỉ khi niêm yết cuối tháng 12 vừa qua, công ty mới hé lộ bản BCTC quý 3/2016. Theo báo cáo này, trong quý 3/2016, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.209 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhưng các khoản chi phí tăng rất mạnh, cụ thể, chi phí tài chính là 362 tỷ đồng (chủ yếu lãi vay chiếm 268 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp là 228 tỷ đồng. Riêng chi phí bán hàng giảm còn 26,7 tỷ đồng…

Lợi nhuận trước thuế quý 3 chỉ còn 16,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 21,8 tỷ đồng nhờ thuế TNDN được hoãn lại.

Luỹ kế 9 tháng Novaland ghi nhận hơn 7.176 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 2.001 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.560 tỷ đồng.

Còn tại thời điểm 30/9/2015, Novaland báo lỗ 55,8 tỷ đồng trước thuế và sau thuế lỗ 89,5 tỷ đồng. Và toàn bộ lỗ đã được khắc phục “chóng vánh” ngay trước thời điểm lên sàn niêm yết.

Tổng tài sản sau 9 tháng qua đã tăng đáng kể lên tới 32.480 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với thời điểm cuối tháng 9 năm trước.

Novaland cũng thuộc nhóm “vua tiền mặt” khi có tới hơn 1.046 tỷ đồng tiền mặt và hơn 2.271 tỷ đồng các khoản tương đương tiền trên sổ sách.

Tài sản của Novaland chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn (6.820 tỷ đồng), trong đó có hơn 1.560 tỷ đồng là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn. Hàng tồn kho tăng gần gấp đôi, lên tới 13.909 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn hơn 410 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 8.016 tỷ đồng…

Đáng chú ý, lần đầu tiên những bí ẩn về khối nợ của “đại gia” địa ốc Novaland cũng được hé lộ với các chỉ số đáng chú ý. Cụ thể, tại ngày 30/9/2016, công ty có tổng quy mô nợ phải trả hơn 24.862 tỷ đồng, tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (ở mức 20.475 tỷ đồng).

Trong số này, nợ ngắn hạn chiếm tới 12.225 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ và khá gần mức nợ dài hạn ở mức 12.636 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực trả nợ của Novaland luôn căng thẳng, đòi hỏi khả năng “điều chuyển” dòng tiền nhịp nhàng ở mọi thời điểm để đảm bảo trả được nợ.

Mức độ “chạy” của dòng vốn tại Novaland được phản ánh qua các chỉ số trên báo cáo: 9 tháng qua, Novaland huy động được tổng vốn vay tới 10.081 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Song lại phải đem trả nợ gốc vay tới 8.931 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần năm trước. Như vậy, tiền vay ròng Novaland nhận được chỉ khoảng 1.100 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng bị âm gần 541 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 2.067 tỷ đồng, mà chủ yếu do tăng các khoản tồn kho, phải thu, chi cho vay đầu tư… (còn tiếp)

Thu Hằng

>> Novaland ồ ạt làm dự án “khủng”, xoay vốn nhờ... "in giấy"?

Có thể bạn quan tâm