Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong chế biến thực vật

Mới đây, hội thảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam do Traffic phối hợp với VCCI tổ chức đã được diễn ra tại Hà Nội.
Đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong chế biến thực vật

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều bên có liên kết với nhau trong chuỗi thương mại chế biến thực vật nhằm thảo luận cách thức quản lý việc buôn bán động thực vật hoang dã hợp pháp một cách bền vững mang lại lợi ích chung.

Hội thảo này được thực hiện với sự tài trợ của Sáng kiến Darwin, một chương trình của Chính phủ Anh tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh thái và môi trường tự nhiên thông qua các dự án địa phương trên toàn thế giới.

Việt Nam có hơn 4.000 loại cây thảo dược liệu và hương liệu (MAP), là nguồn nguyên liệu chính cho thực phẩm, thuốc y tế và mỹ phẩm. Rất nhiều loài đang bị suy giảm do cách thức thu hái không thích hợp, buôn bán không được kiểm soát, và thiếu kiểm soát và thực thi pháp luật. 

Tình Bắc Kạn, địa phương được lựa chọn để thực hiện dự án, là nơi có nguồn MAP quan trọng và một trong những điểm then chốt trong chuỗi thương mại MAP thô, chưa qua xử lý được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Traffic và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn (FPD), cơ quan có thẩm quyền của tỉnh về tài nguyên rừng đã nghiên cứu các vấn đề này từ năm 2011, đảm bảo thu hút sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động thu hái bền vững và dành được cam kết của các bên mua hàng trong việc mua các sản phẩm được thu hái một cách bền vững.

Từ ngày 1/4/2015-31/3/2018, dự án đã triển khai thúc đẩy hoạt động bảo tồn MAP bằng cách cải thiện các liên kết xuyên suốt chuỗi thương mại và tăng cường năng lực cho cộng đồng, các cấp chính quyền theo các nguyên tắc của Tiêu chuẩn FairWild - một bộ tiêu chuẩn khung về thông lệ thực hành tốt nhất được quốc tế công nhận cho các hoạt động sử dụng và thương mại bền vững đối với thực vật được thu hái.

Báo cáo kết quả dự án tại hội thảo, những người thu hái các loại cây dược liệu và hương liệu ở tỉnh Bắc Kạn cho biết, nhờ có dự án nên những người thu hái cây Giảo cổ lam ở tỉnh đã có mức thu nhập cao hơn 30% so với trước. Việc này đã mang lại nhiều tác động tích cực giúp cho sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, nơi 14% dân số sống dưới ngưỡng nghèo.

Những người tham gia dự án cũng đã được đào tạo kỹ năng thu hái bền vững và hướng dẫn cách thức đàm phán để có được những hợp đồng thương mại tốt hơn. Bên cạnh đó, hơn 15 nhóm người thu hái cũng đã được thành lập trong suốt quá trình dự án. Gần 1.000 người thu hái được hưởng lợi từ sáng kiến này, trong đó 415 người là phụ nữ.

Theo đại diện của TRAFFIC và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, mô hình thu hái bền vững này nên được nhân rộng trên các vùng khác ở Việt Nam và áp dụng cho các loài thực vật khác.

Mang lại một cách nhìn thương mại từ phía doanh nghiệp, các đại diện của Công ty CP Chuỗi Thực phẩm TH ( trực thuộc Tập đoàn TH) và Công ty CP Dược Khoa (DK Pharma) đã cung cấp các thông tin về lợi ích và thách thức của việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu tự nhiên cho các sản phẩm của mình.

Phát biểu về vấn đề này, bà Sarah Ferguson - Giám đốc của TRAFFIC tại Việt Nam khẳng định: “Bền vững là chìa khóa cho tương lai của Việt Nam. Để mang đến cho đất nước sự hỗ trợ cần thiết để phát triển, chúng ta cần hiểu được những thách thức thật sự mà người dân và doanh nghiệp gặp phải trên con đường để trở nên bền vững hơn”.

Có thể bạn quan tâm