Đằng sau con số kỷ lục "đẻ vội" doanh nghiệp bất động sản

Lĩnh vực BĐS đang đứng đầu trong cuộc chạy đua thành lập doanh nghiệp mới. Sự tăng trưởng của thị trường cùng lợi nhuận tốt của hàng loạt các ông lớn BĐS là động lực khiến các doanh nghiệp "mọc lên nh
Đằng sau con số kỷ lục "đẻ vội" doanh nghiệp bất động sản

Lĩnh vực BĐS đang đứng đầu trong cuộc chạy đua thành lập doanh nghiệp mới. Sự tăng trưởng của thị trường cùng lợi nhuận tốt của hàng loạt các ông lớn BĐS là động lực khiến các doanh nghiệp "mọc lên như nấm". Và điều đó tác động thế nào đến một thị trường đang được nhìn nhận là tăng trưởng nóng?

Một báo cáo về tình hình doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2016 vừa được Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chi tiết. Trong đó, lĩnh vực BĐS gây bất ngờ trong cuộc chạy đua thành lập doanh nghiệp mới.

Một ngày 8 doanh nghiệp thành lập mới

Tính trong 9 tháng đầu năm, ngành kinh doanh BĐS có hơn 2.160 doanh nghiệp mới thành lập, tăng tới 99,1% so với cùng kỳ. Lượng vốn đăng ký của doanh nghiệp BĐS cũng tăng mạnh lên 242,5% so với cùng kỳ 2015. Tính bình quân, mỗi ngày có 8 doanh nghiệp BĐS ra đời. Cơn sốt thành lập mới doanh nghiệp BĐS đã bắt đầu từ năm 2015 khi thị trường địa ốc bước vào chu kỳ tăng trưởng nóng.

Xu hướng này ngày càng mạnh khi không chỉ tăng trưởng về số lượng mà vốn đăng ký bình quân cũng đạt mức cao nhất so với các lĩnh vực khác. Bình luận về con số tăng ở mức kỷ lục này, Ông Hồ Bảo Hùng – Trưởng Bộ phận Định giá, Savills Hà Nội cho rằng, điều này thể hiện rõ ràng sự tự tin của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh BĐS trên cả nước đặc biệt tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Lĩnh vực BĐS đã tăng trưởng 3,7% trong 9 tháng 2016 tốt hơn nhiều so với 2.9% trong năm 2015. Ông Trần Như Trung – Phó tổng giám đốc CapitalHouse đưa ra hai góc nhìn. Thứ nhất, con số này phản ảnh nhu cầu phát triển rất lớn trong lĩnh vực BĐS, phần nhiều có nguồn gốc từ nhu cầu nhà ở tăng cao do tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và triển vọng đâu tư vào bất đống sản nghỉ dưỡng khi tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ. Thứ hai, việc tập trung nhiều vào BĐS trong khi các ngành khác như dịch vụ, vui chơi, nông nghiệp và công nghiệp không nhận được nguồn lực đầu tư của xã hội lại đáng quan ngại.

“Rõ ràng, BĐS quan trọng nhưng để phát triển chung thì các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… mới là yếu tố quyết định đất nước phát triển như thế nào, vị trí của chúng ta trong khu vực nhỏ, khu vực to như châu Á hay bản đồ giá trị thế giới ở đâu? Bản sắc dân tộc và an ninh của một đất nước phụ thuộc chủ yếu vào sức mạnh kinh tế ở những ngành nghề này, chứ không phải BĐS”, ông Trung khẳng định.

Làn sóng mới và sự thanh lọc thị trường

Còn nhớ ở thời điểm thị trường khủng hoảng thừa và đóng băng, một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất khi xây dựng Luật kinh doanh BĐS 2014, chính là vấn đề năng lực của doanh nghiệp BĐS. Thế rồi trong thực tế, cuộc khủng hoảng đã thanh lọc một cách tự nhiên các doanh nghiệp BĐS. Vậy nên, trước con số một ngày có đến 8 doanh nghiệp ngành này được thành lập, đã xuất hiện nỗi lo thị trường tăng trưởng nóng hơn, nguy cơ tái lập tình trạng khủng hoảng của doanh nghiệp BĐS sẽ lặp lại…

Ông Hồ Bảo Hùng cho rằng, trong bất cứ ngành nghề nào, việc thanh lọc thị trường là tất yếu. Người chơi phải chấp nhận quy luật và thay đổi để tồn tại. “Vào thởi điểm này chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của khủng hoảng doanh nghiệp BĐS có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng, đặc biệt chính sách tiền tề và các khung pháp lý”, ông Hùng nhấn mạnh. Khẳng định, việc thành lập nhiều doanh nghiệp không thể là nguyên nhân tăng trưởng nóng, ông Trần Như Trung cho rằng, nếu thị trường đã đủ sức mạnh để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém như đợt suy thoái vừa rồi, thì đương nhiên nó vẫn đủ khả năng thanh lọc lần nữa.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, việc thanh lọc hay lập mới này, có những yếu tố phi thị trường gì không? Nguồn lực nào trong xã hội tham gia thành lập các doanh nghiệp này? Hay lại có phần và nguồn từ các doanh nghiệp nhà nước (phi thị trường). Nếu tiếp tục sử dụng đồng vốn “tiền người khác” thì tổn thất do bùng lên các doanh nghiệp BĐS như trước là không tránh khỏi, ông Trung lập luận. Bình luận về những băn khoăn nói trên, ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Kể cả những DN mới thành lập nhưng nếu như có định hướng đúng đắn, tiếp cận thị trường tốt, nâng cao tính chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ phát triển. Bởi số lượng DN nhỏ càng tăng lên thì cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, cạnh tranh là điều tốt vì chúng ta sẽ lựa chọn lọc được các DN nhỏ nhưng chuyên nghiệp để từ đó họ sẽ đầu tư phát triển lên thành DN lớn. Tuy nhiên, một điều đáng nói, số lượng tham gia thị trường thời điểm này chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chính vì vậy, độ sinh tồn là điều khó nói trước bởi đây là một nghề muốn kinh doanh tốt đòi hỏi phải có tính chuyên môn cao, tiềm lực vững, chứ không phải ai muốn làm cũng được.

Và nhìn rộng hơn, muốn có được đội ngũ doanh nghiệp BĐS mạnh, thì cần phải xây dựng được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa xét từ góc độ bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và luật chơi minh bạch. Do vậy điều thị trường cần lúc này chính là phải xây dựng thị tường tự do phát triển mạnh mẽ.

Sơn Minh 

Có thể bạn quan tâm