Đằng sau những gói cho vay nghìn tỷ

Để thu hút khách hàng, từ đầu năm 2019 tới nay các ngân hàng đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng với quy mô hàng nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi.
Đằng sau những gói cho vay nghìn tỷ

Gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tung ra gói vay ưu đãi lãi suất với quy mô 17.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu vay mua ôtô, bất động sản và vay sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Agribank cũng triển khai gói vay nhanh 5.000 tỷ đồng. Theo gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng phục vụ các mục đích tiêu dùng khách hàng cá nhân, hộ gia đình và áp dụng lãi suất hợp lý với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.

BIDV cũng tung ra gói tín dụng trung dài hạn có quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay mua nhà, ôtô, sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân.

Không chỉ các “ông lớn”, các ngân hàng thương mại nhỏ cũng không nằm ngoài đường đua như ABBank triển khai gói cho vay 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi lên tới 12 tháng dao động ở mức 7%/năm; SHB cũng có gói dụng với hạn mức 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất và biên độ lãi suất ưu đãi lần lượt chỉ từ 9,5%/năm và 3,3%/năm…

Với khách hàng doanh nghiệp, Sacombank tung ra gói cho vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7%/năm, áp dụng đến 30/6.

Đầu tháng 1, TPBank tung ra gói cho vay ngắn hạn 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất áp dụng thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng với nhiều ưu đãi về lãi suất…

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khá tham vọng trong năm 2019, thậm chí vượt chỉ tiêu NHNN giao như MB, VPBank, TPBank, HDBank… hay  như Vietcombank, ACB và Techcombank…dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng bằng chỉ tiêu được giao nhưng cũng sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng cao hơn nữa nếu được NHNN nới thêm chỉ tiêu.

Theo nhận định của VDSC, với tình hình dư địa tăng trưởng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) trở nên hạn chế cũng như các nguồn thu nhập không thường xuyên không còn dồi dào như trước, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.

Mặt khác, việc các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm nay xuất phát từ kỳ vọng sẽ được NHNN nới room tín dụng khi đạt chuẩn Basel II. Trước đó, NHNN tuyên bố rằng các ngân hàng đạt chuẩn trước hạn sẽ được ưu tiên về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển mạng lưới.

 >> Ngân hàng được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao nếu đạt CAR trước hạn

Có thể bạn quan tâm