Đất đai - lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước qua cổ phần hóa, thoái vốn

Kem Tràng Tiền, doanh nghiệp có quyền sử dụng 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần; Công ty Bánh tôm Hồ Tây với hàng trăm m2 đất bên hồ Trúc Bạch, s
Đất đai - lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước qua cổ phần hóa, thoái vốn
Kem Tràng Tiền, doanh nghiệp có quyền sử dụng 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần; Công ty Bánh tôm Hồ Tây với hàng trăm m2 đất bên hồ Trúc Bạch, sát Hồ Tây với giá 850 triệu đồng, hay Khách sạn Phú Gia ngay bên bờ Hồ Gươm chỉ được định giá 3,5 tỷ đồng...
Trong hơn hai thập kỷ thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa thành công, trở thành những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, gia tăng giá trị tài sản cho Nhà nước như VNM, FPT, DHG… Nhưng cũng có không ít thương vụ cổ phần hóa mà đến giờ, giới đầu tư vẫn nhắc đến như điển hình về  thất thoát tài sản nhà nước. Đó là việc Kem Tràng Tiền, doanh nghiệp có quyền sử dụng 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần; Công ty Bánh tôm Hồ Tây với hàng trăm m2 đất bên hồ Trúc Bạch, sát Hồ Tây với giá 850 triệu đồng, hay Khách sạn Phú Gia ngay bên bờ Hồ Gươm chỉ được định giá 3,5 tỷ đồng... Bài 1: Hàng ngon, giá bèo Tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội  Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh rằng, nhìn vào quá trình cổ phần hóa, cần rút kinh nghiệm về tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước. Ông Lưu cũng muốn đề cập đến việc xem xét và định giá quyền khai thác các khu đất mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm, những ồn ào xung quanh các cuộc thâu tóm “đất vàng”, “đất kim cương” thông qua thâu tóm doanh nghiệp cổ phần hóa… Từ Vigecam… Một ví dụ cho thấy sự phức tạp của câu chuyện này là trường hợp cổ phần hóa Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) đang bế tắc. Vigecam có hoạt động kinh doanh chính mờ nhạt (xuất khẩu chè chỉ đạt khoảng 600 tấn hàng năm và mảng kinh doanh phân bón cũng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng số 3 triệu tấn phân bón toàn thị trường), nhưng lại quản lý quỹ đất thuê của Nhà nước rất lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM. Tiêu biểu là mảnh đất số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội (với diện tích 276 m2); mảnh đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); mảnh đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2). Nổi tiếng hơn cả là khu đất có rộng 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí. Ngoài ra, Vigecam còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 - 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2). Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam. Tuy nhiên, trong phương án cổ phần hóa Tổng công ty, giá trị tài sản đất đai bằng 0, vì toàn bộ các tài sản trên đều là đất thuê. Giá trị doanh nghiệp được phê duyệt để cổ phần hóa tính đến ngày 31/3/2015 là 363 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 117 tỷ đồng. Cũng theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược được mua tới 70% cổ phần của Tổng công ty. Có nghĩa là sau cổ phần hóa, nhà đầu tư có thể chi phối số phận các khu đất vàng của Vigecam. Chính vì vậy, Vigecam trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư tổ chức và cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này diễn ra khá gay cấn trong thời gian qua. Ngày 5/10/2015, Vigecam đã công bố thư mời tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu hồ sơ tham gia của các nhà đầu tư phải gửi trước 16 giờ ngày 9/10/2015. Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, sau đó, một trong số các nhà đầu tư tham gia cuộc đua trên đã có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và tố cáo những nhà đầu tư còn lại không đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vigecam. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cổ phần hóa thẩm định phương án cổ phần hóa Công ty mẹ -Vigecam, câu chuyện này đã được đem ra mổ xẻ. Ngày 24/11/2015, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vigecam đã ra Thông báo số 9604/TB-BNN-QLDN yêu cầu Vigecam thực hiện tiếp việc mời bổ sung nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá, trong đó nhấn mạnh đến việc một nhà đầu tư có thể nắm giữ tối đa 70% cổ phần và có thể tổ chức đấu giá chọn nhà đầu tư. Ngày 1/12/2015, Vigecam công bố thư mời bổ sung tham gia đối tác chiến lược với yêu cầu nộp hồ sơ nhậm nhất vào ngày 4/12/2015. Vào cuối tháng 4/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vigecam. Trong Quyết định có nêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, báo cáo cụ thể hơn về tiêu chí lựa chọn, quá trình tổ chức lựa chọn và đề xuất cổ đông chiến lược của Vigecam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Cho đến tận khi Vigecam thực hiện IPO 6.350.580 cổ phần với mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/CP, tương đương 28,87% vốn điều lệ, theo kế hoạch là vào ngày 19/7 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong bản công bố thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa hề có thông tin về nhà đầu tư chiến lược. Đã có 21 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, với tổng số cổ phần chào mua là 16.141.180 cổ phần, trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán. Tuy nhiên, một ngày trước khi diễn ra phiên đấu giá, sáng 18/7, HNX đã phát đi thông báo tạm dừng cuộc đấu giá, căn cứ theo đề nghị của cơ quan chức năng. Một tháng sau, HNX chưa công bố thông tin gì về thương vụ này, nhưng theo một lãnh đạo của HNX, nhiều khả năng HNX sẽ trả lại tiền cọc cho nhà đầu tư và chính thức hủy đợt đấu giá, chờ kết luận của cơ quan điều tra. Chứng kiến vụ việc này, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, nếu không có quyền khai thác nhiều khu đất vàng, mà lại định giá tài sản bằng 0 như trên, liệu số phận của Vigecam có long đong như vậy? … đến nhiều doanh nghiệp khác Những cái tên như Kem Tràng Tiền, Bánh tôm Hồ Tây hay Khách sạn Phú Gia và Vigecam, sẽ còn được nhắc đến nhiều lần nữa. Nhưng cũng còn rất nhiều trường hợp doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa, vốn ít, có quyền sử dụng đất nhiều, kinh doanh kém hiệu quả trở thành mục tiêu cho các cuộc thâu tóm giá rẻ. Sau khi cổ phần hóa, năm 2008, CTCP Phát triển kỹ thuật và đầu tư (ITD) chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ không cao là điều dễ hiểu với một doanh nghiệp dịch vụ tư vấn, nhưng ITD lại quản lý, sử dụng khu đất gần 3.000 m2 nằm ngay trên phố Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Hay CTCP Quảng cáo và hội chợ thương mại (Vinexad), vốn điều lệ 12,2 tỷ đồng, đang quản lý, sử dụng khu đất tại số 9 Đinh Lễ, ngay gần Hồ Gươm với diện tích sàn khoảng 1.500 m2 trên diện tích 314,5 m2 đất thuê của nhà nước; CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) với vốn điều lệ 21 tỷ đồng, nhưng lại tọa lạc trên diện tích 650 m2 tại số 5, 7, 9 phố Đường Thành (Hà Nội) và đang khai thác nhiều khu đất khác tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… Mới đây, công luận cũng xôn xao về trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Sau cổ phần hóa, VFS có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, nhưng sử dụng hàng chục nghìn m2 tại Hà Nội và TP. HCM. Cụ thể, VFS đang sử dụng hơn 5.400 m2 đất làm trụ sở tại số 4 Thụy Khê, khu đất vàng ngay đầu Hồ Tây (Ba Đình, Hà Nội). Ngoài ra, VFS đang quản lý, sử dụng khu đất rộng 900 m2 tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe. Hơn 6.300 m2 ở xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) được VFS sử dụng làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1.200 m2 đất ở Thái Văn Lung (quận 1, TP. HCM) được sử dụng làm Văn phòng chi nhánh. Theo bản cáo bạch IPO VFS, toàn bộ diện tích hàng chục nghìn m2 đất này, VFS đều đề nghị Nhà nước cho tiếp tục sử dụng. Nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) có được quyền khai thác đối với hàng loạt khu đất mà VFS đang sử dụng thông qua việc sở hữu 65% vốn điều lệ VFS với số tiền chỉ khoảng 33 tỷ đồng. (Còn tiếp)
Hủy đấu giá cổ phần Xi măng X18 vì có nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước Phiên đấu giá 2,236 triệu cổ phần nhà nước (chiếm 53,81% vốn) tại Công ty Cổ phần Xi măng X18 theo kế hoạch diễn ra ngày 22/8/2016 đã bất ngờ bị hủy theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sáng 22/8. Cụ thể, ngày 18/8/2016, Sở GDCK Hà Nội nhận được văn bản số 7927/BQP-KTe của Bộ Quốc Phòng về việc dừng tổ chức phiên đấu giá cổ phần. Theo đó, để có điều kiện xác minh một số nội dung thông tin, đảm bảo sự công khai, minh bạch và không làm thất thoát vốn Nhà nước, Bộ Quốc Phòng đề nghị dừng tổ chức đấu giá cổ phần Nhà nước tại CTCP Xi măng X18, đồng thời hoàn trả tiền đặt cọc cho nhà đầu tư đã đăng ký. Cổ phần Xi măng X18 được bán đấu giá với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Có 7 NĐT cá nhân đã nộp tiền cọc và đăng ký mua 6.708.745 cổ phần, gấp 3 lần khối lượng chào bán. Năm 2015, Công ty lãi 7,5 tỷ đồng. Diện tích đất quốc phòng công ty đang quản lý và sử dụng gồm  48.909 m2 tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình; 20.000 m2 tại xóm Bờ Sông, xã Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình và 32.575 m2 tại Xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nhóm phóng viên ĐTCK

Có thể bạn quan tâm