Đầu tư hàng không: Không có chuyện "doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước hoàn vốn"

Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành Hàng không cần tránh tư tưởng ỷ lại, bao cấp, phải đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, “đừng đặt vấn đề Tổng công ty đầu tư rồi Nhà nước hoà
Đầu tư hàng không: Không có chuyện "doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước hoàn vốn"

Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không, gồm: Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA), Quản lý bay Việt Nam và Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Hai vấn đề được trao đi đổi lại nhiều nhất tại buổi kiểm tra là yêu cầu đổi mới quản trị, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này và thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, bởi “có tư nhân tham gia thì chất lượng dịch vụ sẽ khác rất nhiều”, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao nỗ lực của 3 Tổng công ty khi trong 84 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm 2016 tới nay, 80 nhiệm vụ đã hoàn thành, chỉ còn 4 nhiệm vụ trong hạn đang được tiếp tục thực hiện.

Theo Bộ trưởng, có nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp nêu “lẽ ra Bộ GTVT phải báo cáo sớm” như liên quan tới việc sử dụng vùng trời linh hoạt, quyền sử dụng đất tại các sân bay… Bộ GTVT cần rà soát lại cơ chế, chính sách, kể cả Luật Hàng không dân dụng, đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Ông khẳng định điều Thủ tướng cực kỳ quan tâm, đầu tiên là các doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, công nghệ, tư duy, nâng cao chất lượng nhân lực, thực sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường trong bối cảnh ngành hàng không có dư địa phát triển, có lợi thế rất lớn.

“Khi hàng không có Vietjet vào là khác ngay. Lượng khách của VNA tăng 7,3% trong 7 tháng, nhưng năm nay khách quốc tế dự kiến tăng gần 30%, tức là thị phần VNA tăng không tương xứng”, Tổ trưởng Tổ công tác phân tích.

"VNA phải xem xét lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, bởi với một doanh nghiệp chủ lực trong ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, đang tăng trưởng mạnh thì nộp ngân sách 600 tỷ trong 7 tháng là thấp. Điều này liên quan tới chi phí, phải tính toán rất căn cơ các vấn đề như số cán bộ văn phòng liệu có quá đông…

Vấn đề lớn thứ hai được Tổ công tác nhấn mạnh với Bộ GTVT và 3 Tổng công ty là quan tâm kêu gọi các nguồn lực đầu tư tư nhân.

“Tôi thấy vẫn còn tư tưởng gì đấy vướng mắc. Trước đây khi triển khai thu phí BOT điện tử không dừng, có người cũng đặt vấn đề là phải nhà nước làm. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là đẩy mạnh thu hút tư nhân trong đầu tư, khai thác, ngay cả đường băng sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế cùng khai thác, chúng ta chỉ bảo đảm an ninh, an toàn”, ông nói và nhắc tới dự án sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

“Đừng đặt vấn đề Tổng công ty đầu tư rồi Nhà nước hoàn vốn lại, không thể có chuyện đó trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Hơn nữa, có tư nhân vào là chất lượng dịch vụ khác rất nhiều. Phải tránh tư tưởng bao cấp, ỷ lại. Khối tài sản nhà nước khổng lồ tại doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, chưa tạo cú hích mạnh, nên quan trọng là vấn đề xã hội hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

“Nếu cứ đặt vấn đề đầu tư từ ngân sách nhà nước mà không dám kêu gọi xã hội hóa thì phải xem xét lại quan điểm, chủ trương. Thủ tướng đề nghị các anh hết sức tạo điều kiện, có cơ chế thu hút đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn” - Bộ trưởng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Kết quả kiểm tra và các kiến nghị của 3 Tổng công ty và Bộ GTVT sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. 

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA, trong thời gian qua VNA luôn khẳng định vị trí, vai trò của hãng hàng không quốc gia, 7 tháng đầu năm đạt 49.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng. Hãng cũng theo dõi sát nhu cầu thị trường và tình hình cạnh tranh, chủ động tăng, giảm tải hợp lý trên các đường bay…

Tình hình tài chính của VNA luôn duy trì lành mạnh, đặc biệt Tổng công ty đã hoàn toàn chủ động và hiện nay không phải sử dụng bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.

Còn Tổng Giám đốc Phạm Việt Dũng cho hay hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty Quản lý bay được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đạt 81% các nội dung yêu cầu.

Để tăng cường năng lực khai thác các sân bay, Tổng công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt đã áp dụng phương thức cất cánh mới tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và từ ngày mai, sẽ bắt đầu thực hiện ở sân bay Đà Nẵng.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không khẳng định sản lượng hành khách tiếp tục tăng trưởng 2 con số, 7 tháng đầu năm đạt 56 triệu, tăng 17%. Doanh thu cũng tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm