Đầu tư sân bay: "Cuộc chiến các đại gia"

Các doanh nghiệp tư nhân đang lao vào một cuộc đua đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các dự án xây dựng cảng hàng không, bằng chứng là trong vài năm trở lại đây, Bộ Giao thông vận tải liên tục nhận được
Đầu tư sân bay: "Cuộc chiến các đại gia"

Ngày 2/8/2017, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng ngày 26/6/2017.

Trong kết luận này, có một thông tin khiến làm các đại cổ đông của Công ty CP Hàng không Vietjet Air (Vietjet) khấp khởi mừng thầm: Về đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi: Thủ tướng đồng ý về chủ trương, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; phối hợp với thành phố Hải Phòng đề xuất phương án tư nhân đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2017”.

Mừng là vì, thông tin này gần như đồng nghĩa với việc Vietjet đã “có” được dự án này, vì trước đố, Vietjet chính là nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT, UBND phố Hải Phòng cho phép đầu tư xây dựng nhà ga này từ nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, Vietjet đã trình phương án đầu tư lên cho Bộ và UBND thành phố duyệt.

Dự án Cảng hàng không Cát Bi là dự án đầu tiên mà Vietjet được làm chủ đầu tư một dự án hạ tầng sân bay. Trước đó, Tập đoàn này đã đề nghị được tham gia đầu tư, khai thác, vận hành nhà ga mới tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, sân bay Chu Lai, sân bay Phú Bài, sân bay Đà Nẵng, thuê lại sân bay Phú Quốc…

Tại sân bay Nội Bài, Vietjet muốn được mua lại quyền khai thác toàn bộ ga hành khách T1. Tại sân bay Phú Quốc, Vietjet đề xuất được nhận nhượng quyền khai thác trong 30 năm… Vietjet cũng là một cổ đông trong pháp nhân đang triển khai xây dựng sân bay Cam Ranh.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một nhà ga cảng hàng không được xây dựng theo nguồn vốn xã hội hóa. Dự án đầu tiên là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh (hay còn gọi là Sân bay quốc tế Vân Đồn), do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đề nghị cho SunGroup được làm chủ đầu tư xây dựng cảng hàng không Lào Cai (Bảo Yên, Lào Cai) với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Không chỉ những người trong ngành, từ khi Bộ GTVT công bố chủ trương xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ vào các cảng hàng không, các đại gia ngoài ngành cũng lao vào cuộc đầu tư nghìn tỷ tốn kém này.

Điển hình như Tập đoàn T&T của bầu Hiển ngỏ ý đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tham gia dự án xây dựng nhà ga T2 của Sân bay Quốc tế Nội Bài… Đặc biệt là tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn muốn tham gia dự án sân bay Cam Ranh và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Cần lưu ý rằng, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã từng trả qua nhiều nghiệp vụ trong ngành hàng không, từng làm việc cho Boeing, là người mở đường bay chính thức Việt Nam – Philippines , đường bay đầu tiên của Việt Nam ra thế giới vào thời điểm đó, nhưng sau đó lại trở thành ông Vua hàng hiệu mà không phải với tư cách một ông chủ trong ngành hàng không…

Tuy nhiên, thực tế là cho đến nay, ngoại trừ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) kinh doanh có lãi dựa trên lợi thế sẵn có tại các sân bay được nhà nước giao, thì hiếm có doanh nghiệp ngoài nhà nước nào có lãi bền vững từ kinh doanh sân bay.

Điều này có nguyên nhân từ thực tế. Theo đó, số doanh nghiệp thực sự được giao hạ tầng nhà ga sân bay để khai thác giờ vẫn ít, và thời gian khai thác cũng chưa đủ lâu để chứng minh được hiệu quả kinh tế.

Đáng giá về cuộc đua xin xây sân bay này, với tư cách là một người kỳ cựu trong ngành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá, trong hơn 22 sân bay đang hoạt động và chừng non chục đề nghị xây sân bay, chỉ có 5 sân bay chắc chắn có lãi khi khai thác. Nhận xét ấy, nên xem là cảnh báo với cuộc đua xin xây sân bay.

Dự án Nhà ga số 2 tại Cảng hàng không Cát Bi dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn với vốn cho giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ đồng, khởi công vào quý 4/2017, hoàn thành giai đoạn 1 vào quý 4/2019.

Dự án sẽ có diện tích khoảng 22ha, khi hoàn thành sẽ có công suất 8 đến 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 1 là 5 triệu hành khách/năm)

Về nguồn vốn, Vietjet đảm bảo tự thu xếp được 30% tổng mức đầu tư, 70% nhu cầu vốn còn lại do HDBank - một ngân hàng có lãnh đạo cũng đồng thời là chủ của Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - làm đầu mối thu xếp.

Có thể bạn quan tâm