Để thành công, DN “định vị” bản thân bằng gì?

Có người nói DN định vị mình bằng sản phẩm, có người lại cho là chất lượng dịch vụ, có người nói đó là giá cả, cũng có người cho rằng đó là sự độc đáo… Tất cả đều đúng nhưng liệu đã đủ để tạo nên hình
Để thành công, DN “định vị” bản thân bằng gì?

Mới đây, trong một bài chia sẻ trên facebook cá nhân, Founder DesignBold Hùng Đinh đã viết, “nếu mọi người quan sát kỹ các mô hình startup thành công, họ đều tập trung phát triển mọi thứ xoay quanh tế bào gốc (TBG) của mình, không tham lam, không ôm đồm”.

Theo Hùng Đinh, khi tham gia một startup, điều quan trọng nhất là phải biết TBG của startup là cái gì, sản phẩm làm ra đang giải quyết vấn đề gì và cuối cùng phải trả lời được câu hỏi là "Thực chất, khách hàng trả tiền để đổi lấy giá trị gì cho họ khi sử dụng dịch vụ?". Nếu trả lời được chính xác câu hỏi đó, bạn sẽ lĩnh hội được giá trị cơ bản nhất mà startup đang tạo ra, từ đó sẽ tiếp sức cho đồng đội để về đích nhanh hơn.

Dòng chia sẻ này đã nhận được nhiều lượng người đọc thậm chí nhiều lượng bình luận và đa phần họ đồng tình quan điểm của vị Founder này.

TBG: “Nguồn sống” của Sản phẩm, Chất lượng, Giá cả!

Để thành công, DN “định vị” bản thân bằng gì? ảnh 1

“TBG của Money Lover là cảm giác an toàn, yên tâm cho khách hàng khi quản lý tài khoản ngân hàng, các khoản thu chi cá nhân hiểu quả hơn; của WeFit không phải là Gym hay là sức khỏe mà là sự tiện lợi và đa dạng cho người tập Gym; của TopCV là sự thay đổi của CV đối với nhà tuyển dụng và của DesignBold chính là thời gian của khách hàng từ lúc có nhu cầu thiết kế đến lúc họ có một sản phẩm ưng ý”

Founder Hùng Đinh 

Trong bài viết của mình, Hùng Đinh viết, “TBG của Facebook là Friends, của Twitter là Tweet, của Dropbox là Files, của Youtube là Video, của Pinterest là PIN, của Uber/Grab là "Rides", của Agoda là Hotel vacancy và của AirB&B là BED!”

Chính những TBG này giúp khách hàng tưởng tượng ra các “ứng dụng phần mềm” mà họ sử dụng hàng ngày là gì. Nếu muốn tìm kiếm bạn bè, kết bạn hay trò chuyện với mọi người, người ta sẽ sử dụng Facebook; muốn xem từ phim ảnh đến MV ca nhạc hay các chương trình truyền hình…, người dùng sẽ mở Youtube và muốn lưu trữ dữ liệu thì họ sẽ tìm đến đám mây khổng lồ mang tên Dropbox.

Và TBG của DN trẻ Việt Nam, đơn cử là các tên tuổi mới nổi như Money Lover, WeFit, TopCV hay chính DesignBold của Hùng Đinh lại là “FEELING – CẢM GIÁC” mang lại cho người dùng.

Những sự phân tích này của Hùng Đinh có thể được cắt nghĩa rằng, TBG có thể là những thứ “hữu hình” như video, file hay sticker nhưng cũng có thể là những thứ “vô hình” như sự an toàn, sự thoải mái, tính tiện lợi và nhanh chóng.

Nhưng dù có là gì thì TBG, đúng như tên gọi của nó, là tế bào của DN, là nhân gốc rễ để DN dựa vào đó để phát triển. Nói một cách cụ thể hơn chính là DN dựa vào TBG để biết mình đang làm cái gì tức sản phẩm của mình là gì; hiểu mình muốn cái gì tức mục đích khi thực hiện và làm nên giá trị của DN so với đối thủ. Nói khái quát thì TBG sẽ “định hình sản phẩm, định tính chất lượng và định lượng giá trị” cho DN.

TBG: Chìa khóa xây dựng thương hiệu mạnh

Hiện nay, một cái tên làm nóng thị trường bán lẻ Việt Nam, “7 – Eleven” đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào 15/6 vừa qua là một minh chứng cho sức mạnh của “thương hiệu mạnh”.

Yếu tố khiến 7 – Eleven trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất lịch sử thế giới nằm ở 4 chữ “tiện lợi” và “linh hoạt”. Tại Thái Lan, cửa hàng của 7 – Eleven là “thiên đường đồ ăn nhanh” và tại Việt Nam, cửa hàng của 7- Eleven có cả “phở, bánh giò, xôi, gỏi cuốn, trứng vịt lộn…”.

Điều này chứng minh rằng, 7- Eleven không bán đồ ăn nhanh, không bán nhu yếu phẩm thường ngày mà bán sự “tiện lợi” và “linh hoạt” để đáp ứng mọi nhu cầu và tạo nên sự hài lòng của khách hàng. Đó chính là TBG hay giá trị cốt lõi của 7 – Eleven và chính điều đó tạo nên thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Để thành công, DN “định vị” bản thân bằng gì? ảnh 2

Vinmart tạo được lòng tin từ thương hiệu mang tên "Sạch"

Và cũng nói không đâu xa, ngay đối thủ cạnh tranh là Vinmart+ cũng tạo được thương hiệu riêng chính từ việc bán “niềm tin vào sự sạch” của mặt hàng tươi sống, rau củ quả Đà Lạt và đặc biệt là rau Vin Eco cho người tiêu dùng.

Ngày ngày, có vô số stat-up mọc lên cùng với đó là cuộc đổ bộ của các DN nước ngoài. Tất cả không chỉ tạo nên một cuộc đua khốc liệt mà còn là bệ phóng cho những doanh nhân thực sự tài năng. Và câu chuyện về TBG của Hùng Đinh lại một lần nữa đưa DN quay trở lại “cuộc tìm kiếm” giá trị cốt lõi và con đường xây dựng thương hiệu mạnh.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược của Công ty Richard Moore Associates đã nhận định rằng, “DN Việt Nam vẫn đang lúng túng khi đi tìm giá trị cốt lõi trong sản phẩm”. Điều này minh chứng cho thực trạng, nhiều DN không hiểu và cũng không biết TBG của mình là gì.

Chia sẻ về cách để tạo nên “giá trị cốt lõi”, ông Sơn cho rằng, “vấn đề này còn hóc búa lắm, không phải dễ dàng có thể trả lời được”. Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh, “chỉ có DN mới có thể nhìn thấy giá trị của mình.

“Nếu không thể tự tìm ra, tự quảng bá nó, DN có thể tìm đến các công ty chuyên về quảng cáo, marketing, trình bày với họ những đặc điểm nổi bật trong sản phẩm để cùng họ tìm ra giá trị đó”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thực tế chỉ ra rằng, “tên” DN Việt Nam được nhớ ít hơn hẳn so với DN nước ngoài. Bằng chứng là Caffe Trung Nguyên không thể nổi hơn Starbuck hay Highland; thương hiệu thời trang đình đám một thời như Foci, PT 2000, Ninomax dần bị thay thế bởi Mango, Zara hay H&M ngay chính trên sân nhà. Tất cả đều bắt đầu từ việc xây dựng thương hiệu.

Câu chuyện về TBG của Hùng Đinh không chỉ nhắm đến đối tượng là các start – up mà còn hướng đến đông đảo cộng đồng DN. TBG là nhân tố tạo nên giá trị cốt lõi. Hai yếu tố này sẽ tồn tại song hành cùng DN, hỗ trợ cho DN.

Giống như đánh giá của CEO Nguyễn Thành Nam – Founder Đại học trực tuyến FUNix, “DN phải xác định tế bào gốc ngay từ ngày đầu tiên, càng sớm càng tốt cũng như phải xác định được mô hình kinh doanh căn bản của mình, lưu giữ kỹ, để khi cần nhân rộng thì lấy TBG đó ra mà làm mẫu”.

Có thể bạn quan tâm