Đề xuất bỏ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư hãng hàng không

Nếu khai thác trên 30 tàu bay, DN sẽ phải có vốn tối thiểu 1.300 tỷ VND nếu khai thác vận chuyển HK quốc tế và 700 tỷ nếu chỉ khai thác nội địa. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu bỏ quy định này...
Đề xuất bỏ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư hãng hàng không

Chỉ áp dụng thủ tục theo quy định của Luật Hàng không

Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có thư gửi Thủ tướng về đề xuất mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không và phát triển hạ tầng sân bay Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nội địa, quốc tế.

Một trong những điểm đáng chú ý trong bức thư dài 7 trang gửi Thủ tướng này là đề xuất “sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng bỏ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư đối với hãng hàng không. Chỉ áp dụng thủ tục duy nhất xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng VN” nhằm “tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện quy định hiện hành”.

Trước đây, DN muốn tham gia vận tải hàng không chỉ cần theo Luật Hàng không dân dụng VN, cụ thể là tuân theo các bước được nêu rõ trong Nghị định 92 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không. Giờ phải theo cả 2 Luật Đầu tư và Luật Hàng không dân dụng VN.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, về cơ bản, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Điều 10, Nghị định 92) đều tương thích và phù hợp với Điều 34 của Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không.

Trong văn bản góp ý cho Dự án Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Bộ Tài chính cũng khẳng định khi: “Các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không theo Luật Đầu tư năm 2014 và cấp phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hai quy trình trên có nhiều nội dung trùng lắp”.

Nên để DN tự quyết định

Về vấn đề này, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh vận tải hàng không, Bộ GTVT đã công bố cắt giảm điều kiện phải có “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không; phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh” bởi theo Bộ GTVT, các điều kiện này về bản chất là thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, nên để cho DN tự quyết định.

Hai trên tổng số ba điều kiện chung để kinh doanh vận tải hàng không cũng được công bố bãi bỏ là điều kiện “phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT hàng không” và điều kiện “Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không”. Điều kiện chung duy nhất được giữ lại là “được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Liên quan đến các điều kiện về tài chính, cụ thể là quy định mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, được biết theo quy định hiện hành, DN khai thác đến 10 tàu bay phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng nếu có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Số vốn tương ứng với doanh nghiệp khai thác từ 11 - 30 tàu bay là 1.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.

Nếu khai thác trên 30 tàu bay, doanh nghiệp sẽ phải có vốn tối thiểu 1.300 tỷ VND nếu khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 700 tỷ đồng nếu chỉ khai thác nội địa. Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu bỏ quy định này trong Luật Hàng không dân dụng VN, trước mắt sẽ sửa đổi Nghị định 92 theo hướng không phân định giữa vận chuyển quốc tế và quốc nội theo ý kiến của Hiệp hội Vận tải hàng không.

Một đề xuất khác được Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh là việc sửa Nghị định 92 quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là các quy định liên quan đến mức vốn tối thiểu để duy trì hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hàng không thương mại và hàng không chung, cũng như các thủ tục hành chính hiện hành về việc thành lập và duy trì hoạt động của các hãng hàng không.

Theo Báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm