Đêm ở Bruxelles

Những chuyến công tác dài ngày với nhà báo bao giờ cũng có nhiều điều để kể, nhất là những chuyến ra nước ngoài...

Thời gian trôi qua, những điều đọng lại đôi khi tưởng như vu vơ, đơn giản mà cứ dai dẳng ở nguyên đó... Vậy mới biết, cuộc sống có lý lẽ của nó và tâm hồn con người cũng có những lý do riêng của mình để lưu giữ...

Đêm ở Bruxelles ảnh 1

Điều tôi rất thích ở Bruxelles khi chúng tôi đến trong chương trình "Những ngày Việt Nam tại Bỉ" năm 2006 là ở đây hoàn toàn không có hàng Trung Quốc. Nhất là sau khi tôi đã mua phải tương Nữ thần Tự do ở Mỹ, tháp Eiffel ở Pháp và vô khối những đồ lưu niệm ở vài nơi khác nữa đều có dòng chữ Made in China thì quả điều ấy rất đáng để ngưỡng mộ.

Window shopping

Chiều thứ nhất sau giờ họp, chúng tôi cùng nhau thả bộ trên đường phố. Bên hè quán bia vui nhộn là những gương mặt đàn ông. Thì ra ở đâu cũng vậy những cốc bia vàng tươi rói, sủi bọt luôn có sức cuốn hút cánh mày râu.“Chị ơi đi nhanh không có các cửa hàng sẽ đóng...”Tuyết Ánh phóng viên báo Đầu Tư giục khi chúng tôi bước tránh xuống đường".

Sà vào một cửa hàng trang sức nho nhỏ ngay đó, tôi bị hút vào chiếc nhẫn có màu xanh coban bạc trắng. Thích thì thích rồi nhưng nhìn cái giá của nó lại ngần ngừ. Vẫn Tuyết Ánh (người có kinh nghiệm sống vài năm theo chồng bên Đức) bảo – Đá của họ xịn đấy chị. Tôi nhìn người đàn ông trung niên có gương mặt dễ mến rồi khẽ khều Tuyết Ánh – nói ông ấy đi biết đâu chiều nay chị đeo về nhiều người hỏi mai sẽ ra đây mua thì sao?...

”Hóa ra cái câu ất ơ ấy của tôi lại khiến ông ta lưỡng lự cân nhắc. Sau khi hỏi chúng tôi là người nước nào, ông ấy ồ lên vui mừng khi nghe trả lời: “Việt Nam à, nhiều năm trước tôi từng xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam chống Mỹ đấy!”... Cuối cùng chiếc nhẫn xinh xắn được đặt vào tay tôi sau khi đã giảm giá 10%. Tuyết Ánh bảo chị cũng siêu khi “mặc cả” đấy!

Tôi và cô ấy còn cặp kè đi với nhau mấy chuyến nữa và Tuyết Ánh cứ gọi là tha hồ “mặc cả” giúp tôi. Ở thành phố Gen có thể do tôi nói khéo (hoặc là tài Tuyết Ánh dịch) mà ông chủ cửa hàng sau khi gói đế nến, khay đựng đồ, hoa khô... còn tặng thêm cho mấy nụ hồng rất đẹp, đến giờ tôi vẫn giữ. Lần ở Ấn Độ, cậu chàng bán thảm thì cứ nhiệt tình bò ra trải từng tấm thảm để giới thiệu liên hồi.

Chỉ có điều cậu ta hét giá thì tít tận “trên trời” khiến tôi đành làm bộ phớt tỉnh cứ mặc cả từ “mặt đất” mặc cả lên. Tại vì trước khi đi, có người am hiểu đã dặn ở Ấn Độ họ nói thách lắm. Cuối cùng thì tôi từ “mặt đất”bước lên, cậu kia từ “trên trời” rơi xuống để bắt tay nhau lưng lửng giữa không trung. Tấm thảm xanh đặc trưng của Ấn được treo ở nhà tôi kỷ niệm cho một chuyến đi đáng nhớ...

Trở lại với Bruxelles, bước trở ra đường và tôi không tin vào mắt mình - tất cả các cửa hàng đều đã đóng im lìm, ngoại trừ mấy quán bia, cà phê vẫn tưng bừng như lúc nãy.

Dân đây không thích tiền hay sao ấy. Mới tối một tí mà đã đóng cửa về nhà, chả cần khách. Không bù cho Hàng Ngang, Hàng Đào nhà mình nhộn nhịp đến tận nửa đêm... Tôi lầm bầm tiếc rẻ và không khỏi thất vọng tràn trề khi thốt ra với Tuyết Ánh.

Thế là ngay đêm đầu tiên ở Bruxelles chúng tôi đành “Window Shopping” cho thỏa hai con mắt. Tôi chợt thấy mình như một “kẻ trộm” trong thành phố lạ, ghé mắt vào từng cửa hiệu mà xuýt xoa, tấm tắc và tự tưởng tượng người ta đi lại, mua bán, trao nhau những nụ cười và những đồ xinh xẻo dường kia. Cứ như mỗi cửa hiệu có một câu chuyện sống động mà thật khác lạ diễn ra trong tôi của đêm đầu tiên kỳ ảo này!

Đêm ở Bruxelles ảnh 2

Nhưng điều mà tôi thích nhất ở Bruxelles chính là sự yên tĩnh với những con đường lát đá, với cây xanh và những tòa nhà giữ nguyên được vẻ cổ kính trầm mặc. Bruxelles cho tôi cảm nhận thật rõ về Châu Âu sau những trang sách bởi không chịu nổi vẻ ồn ào nhộn nhạo của Paris hay cái xuồng xã của da thịt và hơn hớn những dục vọng mà tôi bắt gặp trên đường phố Amsterdam...

Kiếp sau tôi vẫn cứ là người Việt

Tối thứ hai chúng tôi dự tiệc chiêu đãi tại tòa thị chính thành phố. Ai thì không biết chứ tôi là kẻ ăn uống đơn giản và không khoái đồ Tây. Chỉ ăn đến ngày thứ hai là tôi cồn cào nhớ cơm Việt và vì thế súp, sallad và cá tuyết... không làm cơn đói của tôi thỏa mãn. Bước ra khỏi bữa tiệc mà bụng tôi vẫn trông trống, bước chân cứ châng lâng chả vững dạ như ở nhà. Tôi bụng bảo dạ rằng “Nếu có kiếp sau, tôi cũng chỉ mong là người Việt, để được ăn những món ăn dân dã ngon đến cháy bỏng...”. Là khi ấy tôi nhớ đến những lúc say sưa háo hức với chả rươi, chả cá, đến gà xé phay, ngan hấp, vịt quay rồi bún thang, phở bò, miến trộn...

Mọi người xô vào trêu, có người bảo rõ là quê là dại, toàn những “của ngon vật lạ” mà chả biết thưởng thức... Thì quê nhưng tôi vẫn cho rằng ẩm thực Việt Nam phong phú và ngon nhất thế giới. Sau này có dịp đọc sách của bạn bè viết về ẩm thực, tôi chỉ thiếu chút nữa là kêu toáng lên “Đấy, tôi đã bảo rồi mà. Toàn những món ngon chết đi được!”

Bước chân vào hành lang khách sạn, hai cánh mũi tôi chợt nở phồng. Có mùi gì đó quen thuộc phảng phất đâu đây. Bụng tôi chợt cồn cào. Cứ như nhìn thấy trước mắt bát cơm chan nước rau muống luộc đánh dấm với mấy con tôm rang đỏ au hay thịt ba chỉ rang cháy cạnh. Và nước miếng ứa ngập chân răng... Tôi kéo tay Tuyết Ánh đi theo mùi của cơm gạo mới chín thơm hôi hổi: “Ai nấu cơm trong này đó?” Có tiếng vọng ra “Vào đi, thèm phải không?” Trời ơi có ba ông anh nhà báo mà cả mâm cơm thịnh soạn nào cơm trắng cá kho, canh bí xanh nấu sườn, mắm tép chưng thịt Hàng Bè và cà pháo dầm trắng giòn sần sật!

Tôi chả còn chút e dè giữa những người vốn mê cơm nhà như mình nên đánh một bụng đẫy, no căng rồi mà vẫn còn muốn ăn thêm chút nữa. Tưởng như chưa bao giờ được ăn ngon như thế.

Sau này, thêm một hai chuyến công tác, tôi còn được “ăn chực” anh Tiến Phú (Đài truyền hình Hà Nội) mấy bữa cơm Việt như thế. Tất nhiên thực đơn từng bữa có chút thay đổi chả khác gì đang ăn cơm nhà. Đặc biệt nhất là lần giữa thủ đô New Delhi của Ấn Độ lại tôi và Tuyết Ánh được xơi hẳn thịt gà luộc nóng hổi.

Thì ra ngoài máy móc lỉnh kỉnh phục vụ công việc còn có cả một vali to đùng với gạo, bí xanh, đồ ăn cùng với một cái nồi cơm điện xinh xinh được mấy ông nhà báo mang theo...

Về đêm...!

Đêm cuối ở Bruxelles chúng tôi kéo nhau ra quảng trường Grand Place nổi tiếng. Chưa ở đâu tôi thấy một khoảng sân lát đá rộng đến thế với những tòa nhà quây khắp xung quanh. Nghe nói trước kia đây là khu chợ với các nhà lồng dành cho những người buôn bán. Tòa đô chính được xây dựng từ 1402 – 1455, dường như do kiến trúc sư đầu tiên là Jacob Van Thienen thiết kế... Quanh quảng trường là các tòa nhà của các nghiệp đoàn. Thú vị là nhà Broodhuis (nhà bánh mì) được làm bằng gỗ vào TK 13, được xây lại bằng đá dành cho Chính phủ vào TK15 được gọi là Maison du Du (nhà của công tước) và khi đất công tước rơi vào nhà Habsburg thì nó được mang tên Maison du Roi (nhà của Vua) và được giữ cho đến ngày nay.

Đêm ở Bruxelles ảnh 3

Tôi đứng giữa quảng trường, chợt thấy rùng mình khi nhớ đến những sự kiện lịch sử đã xảy ra nơi đây như vụ Henri Voes và Jean Van Eschen, tín đồ đạo Tin lành bị tòa án dị giáo thiêu trên giàn lửa vào ngày 1/7/1523 và vài chục năm sau (1568) hai bá tước Lamosal và Philippe de Montmorency bị chặt đầu tại quảng trường này. Khu trung tâm và quảng trường cũng từng bị Pháp pháo kích liên tục 3 ngày (8/1695) và bị thiệu rụi và san phẳng... Lịch sử nơi nào cũng thế luôn đọng đầy những điều đáng tiếc! Con người được sinh ra và xây dựng nên thế giới này nhưng cũng chính con người đang tâm giết chóc lẫn nhau, phá hủy biết bao nhiêu công trình tâm huyết và giá trị!

Đằng xa bỗng có tiếng ai đó hét lên và chúng tôi sững sờ khi tận mắt nhìn thấy một chàng thanh niên trần truồng như nhộng chạy khắp quảng trường. Tiếng huýt sáo, tiếng cười nói vang lên. Một điều gì đó vui nhộn pha chút bất cần và tràn trề sức sống như cơn gió thổi vào sự yên tĩnh và trang nghiêm nơi này. Chúng tôi lang thang trên những con phố nhỏ lân cận vẫn mang nguyên những cái tên nguyên thủy theo từng ngành nghề buôn bán như phố Hàng Bơ Pho mát, phố Hàng Than, phố Cá Trích...

Bỗng thấy gần gũi yêu mến Bruxelles như Hà Nội với 36 phố phường xưa vậy. Chỉ đi mấy trăm mét từ Rue de la Tete đến Rue du Mid gặp bức tượng đồng nổi tiếng của Bruxelles – chú bé đứng tè Manneken Pis. Qủa có hơi thất vọng khi biểu tượng thứ hai của Thủ đô chỉ khiêm tốn trong góc phố, cao có 61cm và luôn luôn tè vào bồn phun nước. Thế mà huyền thoại về nó thì vượt xa khỏi biên giới nước Bỉ để đến với khắp nơi trên thế giới.

Nghe kể rằng khi quân Tây Ban Nha rút khỏi Bruxelles đã dự tính cho phóng hỏa đốt trụi thành phố bằng một quả bộc phá có sức công phá lớn. Bỗng nhiên có một chú bé đi đến, vạch quần tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá đang xì khói... Thành phố được cứu một cách ngẫu nhiên và kỳ diệu như thế! Bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy năm 1619 đã chế tác bức tượng này và ai có dịp đến thăm nơi đây đều không quên đến và mua những phiên bản của chú bé đáng yêu này.

Cường – phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam rủ cả bọn lên xe điện đi thăm khắp thành phố. Kia là lâu đài hoàng gia, kia là công viên nổi tiếng tập trung các thành tựu lịch sử văn hóa nghệ thuật Châu Âu, tòa nhà thị trường chứng khoán Bruxelles được Napoleon quyết định xây dựng năm 1801 rồi “tháp Eiffel của Bruxelles“... Chúng tôi chỉ kịp lướt qua, nhìn ngắm và hít thở bầu không khí của thành phố về đêm, cùng chúng.

Những viên đá lát đường đã nhận bao dấu chân, đã qua bao biến cố thăng trầm của thời gian mà mặt đá phảng phất nét buồn mòn cũ? Những ngôi nhà cao vuông vắn với những bức phù điêu cầu kỳ, những bức tượng gắn trên tường bạc vì mưa nắng. Mầu sơn hay màu vôi phơi sương tuyết biết mấy thời gian? Có tiếng chuông nửa đêm ngân nga từ ngôi nhà thờ cổ có vòm cao vút.

Tôi cảm thấy bước chân mình đang chạm lên quá khứ hàng ngàn năm, đánh thức cả hương thời gian xa ngái.

Hình như có ánh nến đâu đây sau khung cửa sổ. Tiếng xe ngựa lộp cộp trên đường đá, sột soạt những tà váy dạ hội nức hương. Tiếng của nàng tiểu thư quý tộc đang khẽ cười. Tiếng anh xà ích vung roi găng tay trắng giữa đêm đen đang nhạt dần về sáng...

Đêm ở Bruxelles ảnh 4

Có thể bạn quan tâm