Đến thời ngân hàng khoe lãi “khủng”

Thêm một năm tăng trưởng tín dụng khả quan, lợi nhuận nhiều ngân hàng báo lãi vài nghìn tỷ đồng. Dù vậy, khối nợ xấu của hệ thống vẫn đang “ẩn nấp” dưới nhiều hình thức khác nhau, phải trích lập dự ph
Đến thời ngân hàng khoe lãi “khủng”

Năm 2017 SHB ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng

Kết quả kinh doanh năm 2017 của hệ thống ngân hàng đã cải thiện tích cực sau giai đoạn “đại phẫu” tái cơ cấu, xử lý nhiều tồn tại, yếu kém và hứa hẹn năm 2018 sẽ tiếp tục “bùng nổ” lợi nhuận cao.

Đua nhau báo lãi đột biến

Năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đang niêm yết và sắp lên sàn chứng khoán như SHB, Vietcombank, HDbank, LienvietPostBank, TPBank, Techcombank...

Ấn tượng nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội khi hoạt động tín dụng tăng cao, liên tục mở rộng mạng lưới chi nhánh trong và ngoài nước. Quý 3/2017, SHB ghi nhận lợi nhuận đột biến tới 528 tỷ đồng, nâng luỹ kế 9 tháng lên 1.330 tỷ đồng, tăng trưởng 68,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là nhờ hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi 844 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần.

Phân khúc tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân cũng đem về cho các ngân hàng một khoản lợi nhuận không hề nhỏ, tạo động lực bùng nổ lợi nhuận cho VPBank, HDBank, MBBank trong năm 2017.

Gần đây, LienvietPostBank đã chính thức chào sàn Upcom và rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ, mở rộng quy mô phạm vi hoạt động. Cập nhật đến ngày 30/11/2017, ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế 11 tháng đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch 1.500 tỷ đề ra cho cả năm nay. 

Không kém cạnh, TPBank sắp sửa lên sàn cũng hoan hỉ “khoe” con số lợi nhuận tăng đột biến. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 807 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm ở mức 780 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng cao tới 20% so với đầu năm 2016, đạt dư nợ 67 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu giảm thấp còn 0,8%. Lãnh đạo TPBank dự báo lợi nhuận quý 4/2017 sẽ có đột biến hơn và cả năm ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận nghìn tỷ.

Dự kiến sẽ lên sàn vào đầu năm 2018, HDbank cũng ghi nhận năm 2017 “ăn nên làm ra” với nhiều chỉ tiêu kinh doanh tăng khả quan. Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.912 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ HDBank đạt 1.713 tỷ đồng. Ngân hàng đã vượt 1,5 lần mục tiêu lợi nhuận của năm 2016 và là kết quả ấn tượng nhất từ trước tới nay. HDbank dự kiến lợi nhuận cả năm 2017 sẽ vượt 2 lần kế hoạch đề ra, ước chừng 2.400 tỷ đồng.

Khối ngân hàng gốc quốc doanh tiếp tục báo lãi “khủng” nhờ tín dụng được “nới” rộng vượt trên 20%, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cùng kế hoạch xử lý nợ xấu có tiến triển tích cực hơn. Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2017, Vietcombank dẫn đầu hệ thống với 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành 81% kế hoạch năm 2017.

Vietinbank ghi nhận lợi nhuận đạt 7.232 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, do nợ xấu tăng rất mạnh vượt hơn 16.000 tỷ đồng nên lợi nhuận của BIDV kém hẳn, chỉ đạt 5.555 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 3,5% so với cùng kỳ (5.757 tỷ đồng).

Dù vậy, trước con số lãi “khủng” mà ngân hàng công bố, không ít chuyên gia tài chính hoài nghi số lãi có thực chất, khi có nhà băng nhỏ bất ngờ lãi vài nghìn tỷ trước thời điểm lên sàn. Liệu đây có phải là lãi “ảo” hay chiêu “làm đẹp” sổ sách như một chuyên gia từng cảnh báo? Bởi trên sổ sách, nhiều khoản dự thu, nhất là những khoản vay trung – dài hạn không hết trong một năm tài chính mà kỳ lãi kéo dài 3 -5 năm chưa thu hồi, song vẫn được tính là thu nhập. Lãi dự thu đã không được thanh toán do nợ xấu lại được ngân hàng chuyển ra ngoại bảng để theo dõi.

Hé lộ nợ xấu tỷ đô

Trong khi nhiều nhà băng hoan hỉ khoe lãi lớn thì 2017 là năm chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực ồn ào từ nhóm cổ đông cũ sau khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank. Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cùng với nhóm cổ đông liên quan đã lặng lẽ chuyển giao cổ phần sở hữu cho Ngân hàng Nhà nước và người được chỉ định. Cuối năm 2016, ông Trầm Bê chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra sai phạm trong quá khứ điều hành.

Hồi tháng 6/2017, ông Dương Công Minh chính thức nắm ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank và gia tăng sở hữu lên 62,57 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 3,47% vốn điều lệ. Từ đây, Sacombank bắt đầu công khai khối nợ xấu “khủng” có liên quan đến nhóm Trầm Bê sau thời gian dài ém nhẹm thông tin.

Theo tiết lộ của  ông Dương Công Minh, sau sáp nhập 2 ngân hàng, ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý các khoản vay với số nợ gốc là 35.400 tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm là 43.000 tỷ đồng; trong đó 33.000 tỷ đồng là bất động sản và 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu. Các tài sản bảo đảm là loạt dự án lớn ở khu vực trung tâm như quận 1, 3, 5, 9, Thủ Đức, các tỉnh như Long An, Cần Thơ, như Khu đô thị và công nghiệp Bình Chánh TP.HCM; KCN Đức Hoà Long An; Khu Đô thị Bình Trưng, quận 2, TP HCM...

Giữa tháng 12/2017, Sacombank tiến hành bán đấu giá nhiều tài sản đảm bảo với giá trị ước tính thu về 10 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, 3 lô đất tại KCN Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 9,1 triệu m2 thuộc các pháp nhân như: Công ty Đầu tư xây dựng Kinh doanh hạ tầng KCN Sài Gòn Long An và một phần của Công ty Đầu tư AMIC, Công ty Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Long "V", Công ty Đầu tư Phát triển Long Đức - ILD và Công ty Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Mười Đây… Mỗi lô đất được rao bán từ 3.000-4.000 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng từ việc “gánh” nợ xấu của Phương Nam, nên lợi nhuận năm 2016 của Sacombank bị sụt giảm tới 64%, chỉ đạt 531 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan hơn với 1.025 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận cả năm sẽ không dưới 1.200 tỷ đồng. Dù vậy, trong khi chờ xử lý khối nợ xấu khủng của nhóm cổ đông quyền lực một thời cùng với nhiều tồn tại, yếu kém “hậu sáp nhập” phải giải quyết dứt điểm thì lợi nhuận của Sacombank vẫn khó bay cao.

>> Lợi nhuận ngân hàng 2017: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”

Có thể bạn quan tâm