Descon muốn quay trở lại sàn chứng khoán sau 9 năm bị hủy niêm yết

Một trong những nội dung mà ban lãnh đạo CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) dự kiến công bố tại ĐHĐCĐ sắp thời là việc đưa cổ phiếu DCC quay trở lại sàn chứng khoán sau 9 năm bị hủy niêm yết.
Descon muốn quay trở lại sàn chứng khoán sau 9 năm bị hủy niêm yết

Được biết, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của Descon sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.

Bên cạnh kế hoạch trở lại sàn chứng khoán, Descon cũng dự kiến thông qua việc "thay máu" toàn bộ thành viên HĐQT và thành viên ban kiểm soát (nhiệm kỳ 2017-2021) tại ĐHĐCĐ.

Tháng 8 vừa qua, Descon đã miễn nhiệm ông Châu Anh Tuấn khỏi chức vụ tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Người thay thế ông Tuấn là ông Nguyễn Quang Minh, chính thức nhậm chức tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Descon từ ngày 30/7/2020.

Cổ phiếu DCC lên sàn HoSE vào cuối năm 2007 và sau 4 năm giao dịch thì DCC chính thức bị hủy niêm yết vào cuối năm 2011 do vi phạm về quy định công bố thông tin, cũng kể từ đó thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường.

Sóng gió chưa dừng lại, năm 2012, Ban kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông bất ngờ có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại công ty. Và đến năm 2018, Descon bất ngờ nhận quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP. HCM theo đơn kiện của một nhà cung cấp nước ngoài là Siam City Cement Ltd (SIAM).

Thông tin này do CTCP kỹ nghệ lạnh (Searefico) công bố. Ở thời điểm đó, Searefico có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò nhà thầu chính, do đó Searefico đã gửi thông báo các khoản nợ của Descon tới Tòa án nhân dân TP. HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.

Việc Descon bị mở thủ tục phá sản được cho là khá bất ngờ vì ở thời điểm đó doanh nghiệp này không cho thấy dấu hiệu của việc kinh doanh sa sút. Thậm chí, Descon vẫn thông báo về việc trúng thầu và động thổ thi công nhiều dự án ở TP. HCM và Bình Dương, báo lãi trong vòng nhiều năm liên tiếp trước khi nhận được thông báo của Tòa án nhân dân TP. HCM.

Có thể kể đến như năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 1.445 tỷ đồng và 24,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận tăng trưởng gần gấp 3 lần so với năm 2016.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2017 lại cho thấy khoản nợ mà Descon phải gánh ở thời điểm đó là quá lớn so với tình hình tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể, tổng nợ phải trả của Descon tính đến ngày 31/12/2017 lên đến 2.372 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với năm 2016 và gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.

Tính đến cuối năm 2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng gồm 2 cổ đông lớn là ông Trịnh Thanh Huy (56,2%) và Cty TNHH Mascon (13,8%). Ông Trịnh Thanh Huy là người đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam. Năm 2006, ông Huy là cổ đông lớn tham gia thành lập công ty bất động sản Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại TPHCM. Bình Thiên An được biết đến là một phần của Kusto Group.

Bên cạnh Descon, ông Trịnh Thanh Huy cùng các công ty có liên quan cũng thực hiện một số thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khác như Beton6 (BT6) hay Vinafco (VFC)...

Có thể bạn quan tâm