ĐHCĐ Apax Holdings: Quỹ đầu tư Hàn Quốc đưa người vào Hội đồng quản trị

Ngày 27/7/2018, CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thông qua 2 đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2018. Đồng thời, bầu một đại diện quỹ đầu tư Hàn Quốc vào
ĐHCĐ Apax Holdings: Quỹ đầu tư Hàn Quốc đưa người vào Hội đồng quản trị

Đại hội cổ đông bất thường Apax Holdings

Hút vốn từ quỹ ngoại

Kỳ họp ĐHCĐ bất thường này được Apax Holdings tổ chức ngay sau khi công ty này hoàn thành đợt 1 phát hành 207 trái phiếu riêng lẻ (mệnh giá 1 tỷ đồng/TP, kỳ hạn 5 năm) trên tổng số 455 trái phiếu chào bán, tương ứng tổng giá trị 207 tỷ đồng.

Thông qua bên uỷ thác Ngân hàng Shinhan, 2 quỹ đầu tư tư nhân gồm: Quỹ Valuesytem Dae Gwang A investment và Quỹ Valuesytem Global Mezzanine Investment đã mua 207 tỷ đồng trái phiếu của Apax Holdings.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Apax Holdings và Egroup (công ty mẹ của IBC), đây là hai quỹ ngoại đến từ Hàn Quốc với mong muốn đầu tư, đồng hành cùng phát triển hệ thống giáo dục của Apax English. Việc tìm kiếm, đàm phàn và chốt deal bán trái phiếu cho quỹ ngoại, theo ông Thuỷ, được công ty thực hiện “thần tốc” trong vòng 3 tháng.

Nhưng ứng viên Sang Ho Jung ứng cử vào Hội đồng quản trị Apax Holdings là đại diện do EGroup – công ty mẹ sở hữu 71% Apax Holdings giới thiệu. Theo lý lịch công bố, ông Sang Ho Jung sinh năm 1983, quốc tịch Hàn Quốc, hiện đang là Giám đốc khối đầu tư uỷ thác Công ty TNHH ValueSystem Investment Management từ tháng 4/2017 đến nay.

ĐHCĐ bất thường đã tiến hành bỏ phiếu thông qua ứng viên Sang Ho Jung bầu bổ sung vào HĐQT công ty Apax Holdings.

Tại đại hội này, HĐQT Apax Holdings trình xin ý kiến cổ đông “nới lỏng” điều kiện giới hạn thời gian chuyển nhượng 207 trái phiếu chuyển đổi (đợt 1) và 248 trái phiếu chuyển đổi (đợt 2). Theo đó, thay vì lô trái phiếu bị giới hạn chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày phát hành thì Apax Holdings xin thời gian linh hoạt hơn “Trái phiếu được hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc trường hợp khác theo quy định pháp luật”.

Nói cách khác, lãnh đạo Apax Holdings đang để ngỏ khả năng về việc chuyển nhượng toàn bộ 550 trái phiếu (tương ứng 550 tỷ đồng) sẽ diễn ra sớm hơn thời hạn 12 tháng nếu có nhà đầu tư khác “quan tâm” muốn mua. Cũng có khả năng khác là khoản nợ trái phiếu 550 tỷ đồng của Apax Holdings có thể được xử lý “dọn dẹp” trên sổ sách sớm hơn trong trường hợp công ty này có thể thu xếp được đối tác nhận chuyển nhượng khoản nợ trái phiếu.

Cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về mục đích sử dụng vốn thu được từ hai đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi này?

Song, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ chỉ giải đáp ngắn gọn như tài liệu công bố, trong đó, 207 tỷ đồng thu được từ đợt 1 phát hành trái phiếu sẽ được công ty này sử dụng tới 91% (tương ứng 188,8 tỷ đồng) mua 18,87 triệu cổ phiếu Anh ngữ Apax (Apax English), bổ sung vốn lưu động 18,2 tỷ đồng.

Đợt phát hành 2 nếu thành công sẽ thu về khoảng 248 tỷ đồng, trong đó công ty này sẽ đầu tư 136,6 tỷ đồng vào một công ty “lạ” – CTCP Phát triển giáo dục IGarten, còn lại 111,4 tỷ đồng bổ sung vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Rủi ro phát hành ồ ạt trái phiếu

Tuy nhiên đến thời điểm này, lãnh đạo Apax Holdings không cho biết giao dịch mua 207 trái phiếu đợt 1 đã hoàn thành việc thanh toán, giải ngân tiền hay chưa?

Hơn nữa, việc Apax Holdings sử dụng phần lớn tiền thu từ đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào một công ty giáo dục, nhưng chưa công bố cho các cổ đông về tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh của Apax English trong vòng 3 năm gần đây. Liệu công ty đã đánh giá kĩ lưỡng lợi nhuận, mức độ rủi ro đầu tư vào cổ phiếu Apax English chưa khi mà công ty này chưa niêm yết trên sàn, không minh bạch thông tin tài chính, kết quả kinh doanh định kỳ quý, năm?

Theo tìm hiểu, được biết Apax English hiện đang mở rộng phát triển chuỗi cơ sở dạy tiếng Anh theo mô hình hiện đại. Công ty này đang có khoản nợ hàng trăm tỷ đồng tại 2 ngân hàng Việt Nam sẽ phải trả nợ trong ngắn hạn.

Chi phí tài chính phát sinh cao sẽ là áp lực đối với Apax English và ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh công ty này cũng như hiệu quả đầu tư của Apax Holding tại đây. Nhất là rủi ro trường hợp khả năng cân đối tài chính “đảo nợ” hàng trăm tỷ đồng khi đến hạn của Apax English gặp bất lợi…

Theo BCTC hợp nhất năm 2017, Apax Holdings đạt doanh thu 549,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới 732 tỷ đồng, các khoản phải trả hơn 528 tỷ đồng…

Tương tự, Apax Holdings tiếp tục huy động vốn 248 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đợt 2 để rót 136,6 tỷ đồng vào công ty non trẻ - CTCP Phát triển giáo dục IGarten cũng đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.

Phương án sử dụng vốn trái phiếu hiệu quả ra sao, khả năng thu hồi vốn và dự phòng rủi ro đầu tư tài chính… là những băn khoăn của nhà đầu tư mua trái phiếu cũng như những cổ đông đã bỏ tiền mua cổ phiếu IBC trên sàn?

>> Apax Holdings “mập mờ” phương án phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu?

Có thể bạn quan tâm