ĐHCĐ Dược Việt Nam: "Chúng tôi không níu kéo thoái vốn"

Với năm 2018 lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến 223 tỷ đồng, song HĐQT Dược Việt Nam trình kế hoạch kinh doanh mà không có tỷ lệ chia cổ tức cụ thể. Cổ đông cũng chất vấn lý do chậm trễ thực hiện tho
ĐHCĐ Dược Việt Nam: "Chúng tôi không níu kéo thoái vốn"

Đại hội cổ đông thường niên DVN sáng 23/4

Sáng 23/4, Tổng công ty Dược Việt Nam (mã: DVN) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018 nhằm thông qua các nội dung quan trọng, gồm: kế hoạch kinh doanh năm 2018, phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức, sửa đổi điều lệ công ty…

Theo báo cáo của Ban điều hành, kết quả kinh doanh hợp nhất của DVN có sự tăng trưởng khả quan trong năm 2017. Cụ thể, tổng doanh thu đạt gần 7.105 tỷ đồng, tăng trưởng 13,2% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng hoá dịch vụ chiếm tỷ trọng 96%, đạt 6.814 tỷ đồng, hoạt động tài chính đem về 78 tỷ đồng doanh thu, lãi từ công ty liên doanh liên kết là 165 tỷ đồng, tăng 52% so với năm trước.

Tuy nhiên doanh thu khác của DVN lại bị giảm mạnh chỉ còn 47 tỷ đồng, bằng 1/5 so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2017 đạt 257,6 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 243 tỷ đồng, tăng trưởng trên dưới 39% so với năm trước.

Năm 2017 là năm tài chính đầu tiên của DVN khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có sự thay đổi về phương pháp hạch toán đối với cổ tức nhận được của giai đoạn trước khi chuyển sang công ty cổ phần. Cụ thể, cổ tức được chia của năm 2016 đã nhận vào năm 2017 song không được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị các khoản đầu tư theo quy định…

Kết quả kinh doanh tổng hợp của Công ty mẹ có sự điều chỉnh như sau: tổng doanh thu năm 2017 đạt 159 tỷ đồng, riêng phần cổ tức nhận được là 44 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế công ty mẹ chỉ còn 28,3 tỷ đồng, bằng 109,4% kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, có sự chênh lệch số liệu giữa báo cáo quý và năm 2017, theo lãnh đạo DVN, chính là do chênh lệch số liệu hợp nhất từ Sanofi khoảng 14 tỷ đồng. Nguyên nhân do Sanofi hoạch toán tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế và tổng công ty đã làm việc lại để giảm bớt chênh lệch số liệu trong các kỳ hạch toán sau.

Năm 2018, DVN đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn, cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất giảm xuống mức 6.681 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến là 243 tỷ đồng và sau thuế là 223 tỷ đòng, chỉ bằng hơn 92% số thực hiện của năm trước.

Không chia cổ tức năm 2017, bỏ ngỏ cổ tức năm 2018

Mặc dù năm 2017 DVN vẫn kinh doanh có lãi với số lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ là 22,4 tỷ đồng, song HĐQT trình ĐHCĐ không chia cổ tức, mà kết chuyển sang năm 2018. Nhờ đó, số lợi nhuận của năm 2018 có thể chia cổ tức cho cổ đông ở mức 12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc chia cổ tức này sẽ được HĐQT trình ĐHCĐ gần nhất để xem xét, quyết định nên không đưa vào chỉ tiêu kinh doanh năm nay.

Chia sẻ về những ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh sụt giảm, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Dược Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Tổng công ty đang tập trung đầu tư nhà máy sản xuất dược mới, nâng cấp dây chuyền công nghệ để đạt tiêu chuẩn PIC/s theo lộ trình Bộ Y Tế đặt ra. Do đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh tạm thời có thể giảm sút. Các doanh nghiệp chia trả cổ tức thấp hơn hoặc chia bằng cổ phiếu để dành nguồn lực đầu tư. Đơn cử, năm 2018, Imexpharm dự kiến trả cổ tức năm 2017 là 20% (5% bằng tiền mặt, 15% bằng cổ phiếu), dẫn tới giảm doanh thu của tổng công ty 14,74 tỷ đồng. Năm 2018, Pharbaco dự kiến không trả cổ tức năm 2017 dẫn tới giảm doanh thu đầu tư tài chính 5,69 tỷ đồng…

“Vấn đề chính của DVN là đầu tư tài chính năm vừa qua đã bị sụt giảm đáng kể. Năm 2017, tổng công ty vừa cổ phần hoá xong, thực hiện tái cơ cấu và thoái vốn dẫn tới ảnh hưởng tới việc đầu tư tài chính vào các công ty khác. Việc đầu tư này có vẻ đi ngược với chủ trương thoái vốn của Nhà nước, do đó tổng công ty mới chỉ dừng ở việc đầu tư vào các công ty thành viên”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, sau thời gian dài triển khai các thủ tục mua cổ phần, đến cuối năm 2017, DVN đã thực hiện mua 15% cổ phần Công ty CP Sanofi Việt Nam với số tiền 173 tỷ đồng và kỳ vọng đem lại những thay đổi về kết quả kinh doanh cho tổng công ty.

Bên cạnh đó, DVN cũng đã mua trái phiếu chuyển đổi của Công ty CP Dược Danapha với số tiền 33 tỷ đồng, hoàn thành mua cổp hần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Dược phẩm Imexpharm.

Lãi hẻo, lương Chủ tịch 864 triệu đồng/năm

Với kết quả kinh doanh không tương ứng, một cổ đông bày tỏ ý kiến không đồng tình với tờ trình thù lao các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát. Cụ thể, tiền lương Chủ tịch HĐQT chuyên trách là 72 triệu đồng/tháng, Chủ tịch HĐQT không chuyên trách là 20 triệu đồng/tháng. Tiền lương của Thành viên HĐQT chuyên trách là 40 triệu đồng/tháng, còn Thành viên không chuyên trách là 8 triệu đồng/tháng. Tiền lương của Trưởng ban kiểm soát chuyên trách là 30 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo DVN giải thích, quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động năm 2017 là 2,7 tỷ đồng. Sau cổ phần hoá, để ổn định tâm lý người lao động thì công ty đã quyết định mức thù lao cho ban lãnh đạo như kế hoạch đề ra.

Cần có lộ trình thoái vốn Nhà nước

Tại Đại hội, cổ đông chất vấn HĐQT phải đưa ra lộ trình thoái vốn nhà nước cụ thể bằng nghị quyết để “ốp” tiến độ thực hiện, không để chậm trễ kéo dài suốt hai năm qua.

Ông Đinh Xuân Hấn, Thành viên HĐQT/Tổng giám đốc trả lời: Chủ sở hữu vốn Nhà nước sẽ quyết định lộ trình thoái vốn tại tổng công ty, thoái bao nhiêu vốn… Tổ công tác thoái vốn sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành thoái vốn và có khả năng đến cuối năm nay sẽ hoàn thành đợt thoái vốn lớn này.  “Chúng tôi không níu kéo việc thoái vốn, mà tuân thủ tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Bộ Y Tế, chủ sở hữu vốn Nhà nước”, ông Hấn nói.

Theo chủ trương thoái vốn Nhà nước, DVN sẽ thực hiện bán 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước trong năm 2017. Song đến thời điểm này đã quá hạn, DVN vẫn chưa có động thái, lộ trình cụ thể về việc thoái vốn này. Do đó, trong năm 2018, Bộ Y tế dự kiến sẽ thoái toàn bộ 65% cổ phần DVN. Ngoài cổ đông lớn nhất là Bộ Y tế, DVN hiện có 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (sở hữu 17%) và Công ty Cổ phần SAM Holdings (sở hữu 4,98%).

3 dự án bất động sản nghìn tỷ

Mặc dù kết quả kinh doanh không cao, song DVN hiện sở hữu, quản lý quỹ đất rất lớn tại Hà Nội, TP.HCM. Trong đó, một số khu đất đã được DVN liên doanh liên kết đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng…

Đáng chú ý là 3 dự án bất động sản nghìn tỷ mà DVN đang triển khai đầu tư. Cụ thể, dự án 178 Điện Biên Phủ (TP.HCM) hiện DVN đang làm việc với cơ quan chức năng để nâng số tầng cao lên 7-8 so với thiết kế ban đầu chỉ 5 tầng để tăng hiệu quả đầu tư.

Dự án 95 Láng Hạ (Hà Nội): DVN đang phối hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét chấp thuận chủ đầu tư thực hiện dự án này. UBND Quận Đống Đa đã có báo cáo lên Thành phố, Sở Xây dựng xem xét chấp thuận Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại Sông Hồng làm chủ đầu tư dự án, sau đó mới thống nhất phương án đền bù, giải phòng mặt bằng. Dự án hiện này đã kéo dài hơn 10 năm mà vẫn chưa thể triển khai, chưa có giấy phép xây dựng.

Dự án 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội): DVN đã bàn giao sản phẩm và đnag triển khai tuyên truyền, ký hợp đồng tư vấn bán hàng để tìm kiếm đối tác chuyển nhượng, cho thuê diện tích mặt bằng văn phòng, thương mại, căn hộ… Nhưng sau nhièu vụ cháy chung cư vừa qua, tình hình bán căn hộ gặp khó khăn hơn.

 >> ĐHCĐ HDBank: Chấp thuận sáp nhập PGBank, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621

Có thể bạn quan tâm