[ĐHĐCĐ bất thường Gelex] Sẽ không buông “con gà đẻ trứng vàng” Cadivi

Cadivi là một doanh nghiệp mà Gelex đang muốn nắm cổ phần càng nhiều càng tốt. Lãnh đạo Gelex cũng khẳng định thời gian tới, nếu CAV tăng vốn, Gelex đương nhiên sẽ tiếp tục mua để đảm bảo nắm giữ với
[ĐHĐCĐ bất thường Gelex] Sẽ không buông “con gà đẻ trứng vàng” Cadivi

Sáng ngày 1/8/2016, Tổng công ty Cổ phần Thiết bị Điện (Gelex, mã GEX-HoSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Các tờ trình về việc thay đổi nhân sự HĐQT, đề án tái cấu trúc và phương án tăng vốn khủng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và trái phiếu kèm chứng quyền đều đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Sẽ nắm càng nhiều càng tốt Cadivi

Theo phương án phát hành 77,25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 với giá 18.000 đồng/cp, số vốn huy động được dự kiến sẽ được sử dụng cho hai mục đích: đầu tư thêm vào Thibidi khi doanh nghiệp này tăng vốn (578 tỷ đồng) và đầu tư ngoài ngành sang lĩnh vực logistics (812 tỷ đồng).

Gelex hiện đang sở hữu ba công ty kinh doanh rất tốt trong lĩnh vực thiết bị điện, gồm: Thibidi, CAV, và HEM. Lên kế hoạch đầu tư thêm khi Thibidi tăng vốn, còn đối với hai khoản đầu tư hiệu quả còn lại, Gelex có tiếp tục nắm giữ hay không là câu hỏi cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo Gelex. Ông Nguyên Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT Gelex đồng thời cũng là người đang ngồi ghế Chủ tịch tại CTCP Dây cáp điện Việt Nam, cho biết Cadivi là một doanh nghiệp mà Gelex đang muốn nắm cổ phần càng nhiều càng tốt.

Cadivi với quy mô tăng trưởng hiện tại việc doanh nghiệp này tăng vốn là điều tất nhiên. “Thời gian tới, nếu CAV tăng vốn, Gelex đương nhiên sẽ tiếp tục mua để đảm bảo nắm giữ với tỷ lệ chi phối.”, vị Chủ tịch này cho hay. Tuy nhiên, ông Cương bỏ ngỏ có thể là trong một vài năm tới Cadivi sẽ thông qua để xây dựng phương án. Gelex với vai trò công ty mẹ sẽ giám sát và tham mưu cho quá trình tăng vốn của Cadivi.

Đầu tư ngoài ngành thiết bị điện, bước đi mới có rủi ro?

Từ trước tới nay, hoạt động kinh doanh chính của Gelex là thiết bị điện, cùng với đó là dự án bất động sản trên cơ sở quỹ đất có sẵn của Tổng công ty này. Quyết định đầu tư vào logistics mang đầy tình bất ngờ. Chia sẻ về quyết định đầu tư này, ông Nguyễn Trọng Tiếu, Tổng Giám đốc của Gelex cho biết logistics là mảng thị trường mà công ty chưa từng quan tâm. Nhưng Gelex với các nhà đầu tư mới lại có thông tin, định hướng để giúp công ty nhận thức được đây là thị trường nhiều tiềm năng với miếng bánh thị trường 38 tỷ USD/năm.

Việc huy động vốn là điều kiện để GEX có thể mạnh dạn quan tâm, đầu tư không chi trong lĩnh vực thiết bị điện mà còn phát triển ngành hàng mà thị trường có nhu cầu. Phát biểu tại Đại hội, ông Võ Anh Linh, thành viên HĐQT Gelex đồng thời cũng là người đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PTC thay mặt Ban Chủ tọa giải đáp các câu hỏi liên quan đến hoạt động đầu tư của Gelex. Ông Linh cho biết đối với việc đầu tư vào Sotrans, Tổng công ty hướng đến tỷ lệ 51%.

 Trong số vốn 812 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào logistics sẽ đầu tư một phần vào Sotrans và vào các DN khác. Trả lời câu hỏi về mức giá mà Gelex dự kiến mua cổ phần STG, Gelex cho biết việc định giá HĐQT đã thống nhất thuê hai CTCK định giá độc lập và đưa ra đánh giá trước khi thực hiện mua cổ phần và hiện chưa thể trả lời chính xác. Đối với việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện mà Gelex dự kiến sử dụng nguồn vốn từ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, ông Linh cho biết Gelex sẽ đi sâu vào thủy điện vừa và nhỏ và nghiên cứu nhiệt điện. Đối với thủy điện, công ty thiên về hướng đầu tư vào các dự án có sẵn, còn nhiệt điện có khả năng Gelex sẽ tham gia mới.

Đầu tư "đất vàng" nội đô: Dài hơi chuyện thủ tục, dấu hỏi phương án tài trợ vốn

Khu đất 9.934 m2 tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 – 29 Lý Thái Tổ, Hà Nội (hiện là Trụ sở của CTCP Thiết bị Đo điện EMIC và Khách sạn Bình Minh) sẽ dự kiến xây khách sạn 6 sao. Một trong ba mục đích sử dụng vốn của phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính là đầu tư vào dự án này.

Tuy nhiên, với một dự án quá lớn và có tính chất dài hơi, cổ đông đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của phương án phát hành khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm) tài trợ cho dự án này, cũng như dòng tiền để trang trải khoản vay. Theo ông Võ Anh Linh, dòng tiền của dự án khách sạn 6 sao đương nhiên sẽ chậm hơn so với nguồn vốn từ 1-3 năm. Đấy là lý do, Gelex lựa chọn phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền, ông Linh cho biết.

 Khi cổ đông dùng chứng quyền mua cổ phần sẽ sử dụng nguồn vốn này dự án này để hoàn trả cho khoản vay này. Trong trường hợp trái chủ sở hữu chứng quyền không thực hiện quyền, ông Linh cũng cho biết với việc tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới sẽ rất tốt và khả quan, ông Linh cho biết. EPS trung bình rơi vào khoảng 2.500 đồng mỗi năm. Dòng tiền hàng năm tốt khoảng 70 tỷ đồng sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông hiện hữu.

 Chia sẻ về tiến độ của dự án này (hiện mới ở khâu liên quan đến thủ tục pháp lý), ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, trước đây thành phố Hà Nội đã chấp thuận về quy hoạch tổng thể bao gồm tỷ lệ xây dựng và chiều cao công trình đối với dự án, tuy nhiên theo buổi trao đổi gần đây nhất giữa Gelex và thành phố, quy hoạch tổng thể đã được chấp thuận trước đó có thể sẽ không được sử dụng lại. Hiện Gelex và ban điều hành của dự án đang tiếp tục xây dựng lại quy hoạch để có thể trình và sớm nhất có thể triển khai dự án. 

Trước đây, Gelex đã ký hợp đồng hợp hợp tác liên doanh với hai đơn vị. Việc chuyển đổi pháp nhân của dự án từ Gelex sang đơn vị pháp nhân mới có khả năng gặp khó khăn. Gelex sẽ vẫn phải đứng ra làm chủ đầu tư của dự án, liên doanh sẽ cùng với Gelex để thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển sang pháp nhân sẽ phụ thuộc vào cơ quan chức năng.

Nếu thực hiện chuyển pháp nhân thì Gelex sẽ phải tiến hành đấu giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của Gelex và các cổ đông. Quyền lợi của các đối tác mà trước đây đã ký hợp đồng, Gelex sẽ cố gắng thu xếp sẽ nhà đầu tư tham gia góp vốn không bị ảnh hưởng về mặt quyền lợi.

Theo NDH

Có thể bạn quan tâm