Diễn đàn DN PTBV Việt Nam 2017: Nơi chắp cách cho quản trị sáng tạo và kinh doanh đương đại

Sau ba năm liên tiếp tổ chức thành công, Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam lần thứ 4 (VCSF 2017) dự kiến được tổ chức vào ngày 10/10 tại Hà Nội.
Diễn đàn DN PTBV Việt Nam 2017: Nơi chắp cách cho quản trị sáng tạo và kinh doanh đương đại

Với chủ đề: “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững”, VCSF 2017 sẽ là một Diễn đàn tương tác hiệu quả, giúp chắp cánh cho những giải pháp kinh doanh sáng tạo, mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.

Cuối tháng 9/2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) – trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển toàn cầu cho 15 năm tiếp theo (Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững). Kể từ đó tới nay, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự này tại Việt Nam, trong đó tiêu biểu là việc “địa phương hoá” các SDGs (V-SDGs) sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này. Nỗ lực cần đến từ tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Điểm đáng nói, chính là vai trò của các doanh nghiệp. Bởi thông qua hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể là thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo, vượt ra khỏi hình thức kinh doanh thông thường, để hiện thực hoá các Mục tiêu Phát triển bền vững, kết quả thu được của doanh nghiệp sẽ tạo nên những tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô đối với xã hội.

Ông Nguyễn Quang Vinh
Ông Nguyễn Quang Vinh

Hơn hai năm kể từ khi SDGs được thông qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển trong nhận thức và hành động để gắn kết SDGs trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Và việc áp dụng đó mang lại những hiệu quả gì, còn những điểm nào cần cải thiện và những thách thức nào cần phải vượt qua? Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD phân tích, với việc ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm kiến tạo một hệ sinh thái mới cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bắt kịp với các quốc gia trong khu vực. Về phía doanh nghiệp, cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh tiên tiến và đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại lợi ích lâu dài, thay vì chỉ vì lợi nhuận ngắn hạn, ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng từ cách tiếp cận này, sự kiện thường niên VCSF 2017, được ngóng đợi như một cơ hội để đại diện quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tăng cường quan hệ hợp tác, tạo thế chân kiềng trong việc cập nhật, trao đổi các ý tưởng, mô hình và thông lệ kinh doanh bền vững, từ đó khai phá những cơ hội kinh doanh tiềm năng, được Uỷ Ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững ước tính là ít nhất12 nghìn tỷ đô la mỗi năm, chỉ tính riêng trong bốn lĩnh vực được Ủy ban khảo sát, bao gồm: Lương thực và nông nghiệp; đô thị; năng lượng và vật liệu; và y tế và sức khỏe. Diễn đàn cũng sẽ là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

VCSF 2017 góp phần tạo dựng mối quan hệ tương tác giữa các Mục tiêu Phát triển bền vững và doanh nghiệp, thông qua việc chia sẻ và nhân rộng các sáng kiến và thực tiễn tốt về kinh doanh bền vững. Diễn đàn cũng mang tới nguồn thông tin cập nhật về các kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang triển khai, nhằm huy động sự tham gia của khu vực tư vào việc hiện thực hoá SDGs. Thông qua diễn đàn, nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng sẽ được nâng cao, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ về những mục tiêu đặt ra đối với VCSF 2017.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công SDGs. Vì thế, điều này trở thành chủ đề trọng yếu của phiên toàn thể. Những câu hỏi như: Làm sao để thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc thực hiện Thỏa thuận Paris, làm sao tận dụng cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững-lĩnh vực mà Việt nam có nhiều lợi thế, cách thức nào giúp thúc đẩy các giải pháp kinh doanh bền vững ở Việt Nam?... sẽ được các chuyên gia từ Liên hiệp quốc, từ những người đứng đầu Bộ Tài nguyên- Môi trường và Bộ NN- PTNN, và đại diện của những cái tên tiêu biểu trong cộng đồng DN tại VN như Heineken,Unilever, Bảo Việt, Vingroup, TBS... chia sẻ tại VCSF 2017.

Sau phiên họp toàn thể, sẽ là phần tọa đàm đi vào các vấn đề nóng hiện nay như: các sáng kiến, giải pháp của doanh nghiệp trong việc thực hiện các SDGs; Chuỗi giá trị bền vững và xây dựng năng lực cho các DNNVV; Nền kinh tế tuần hoàn-nền kinh tế thông qua các mô hình kình doanh sáng tạo, khoa học kỹ thuật tiên tiến mang lại tối đa giá trị cho xã hội; Minh bạch và liêm chính trong kinh doanh – hướng tới tính bền vững, đưa giá trị liêm chính, tuân thủ vào chiến lược hoạt động kinh doanh để thu hút đầu tư và cuối cùng là lập báo cáo bền vững và bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI...

Sát thềm sự kiện, điều mà ban tổ chức VCSF 2017 trăn trở nhất, chính là “hậu diễn đàn”. Làm sao để những tương tác trong khuôn khổ của một sự kiện lớn có thể lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Sau ba mùa diễn đàn, bước sang mùa thứ tư, niềm tin về sự bắt kịp xu thế của doanh nghiệp Việt về quản trị đương đại và phát triển bền vững đã dần được khẳng định.

Có thể bạn quan tâm