Điều gì ẩn giấu sau số lợi nhuận “đẹp như mơ”?

Các ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả lợi nhuận năm 2016 với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc tới 91-96%, lãi vượt nghìn tỷ... Điều gì đang ẩn giấu sau những con số lãi “đẹp như mơ” này?
Điều gì ẩn giấu sau số lợi nhuận “đẹp như mơ”?

BIDV cần nỗ lực xử lý khối nợ xấu 14.177 tỷ đồng để cải thiện lợi nhuận năm 2017

Hiện, mới có 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 4/2016 và cả năm vừa qua, bao gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, ABBank, Eximbank, NCB... Các ngân hàng này đều ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, nhất là lợi nhuận tăng cao.

Techcombank lãi đột biến 4.000 tỷ

Mới đây, thị trường xôn xao khi Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) công bố mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục đạt tới 3.997 tỷ đồng trong năm 2016. Đây là thông tin tích cực giúp “hâm nóng” cổ phiếu TCB trước thời khắc lên sàn chứng khoán.

Theo BCTC quý 4/2016 hợp nhất, 3 tháng cuối năm Techcombank có sự bứt phá ở nhiều mảng kinh doanh chính. Đơn cử, hoạt động dịch vụ lãi thuần gần 400 tỷ đồng, mảng ngoại hối lãi 78,6 tỷ đồng, lãi thuần từ mảng chứng khoán tăng trưởng gấp 5 lần… Do đó, lãi thuần quý 4 đạt hơn 1.914 tỷ đồng, nâng tổng thu nhập lãi thuần cả năm lên 8.142 tỷ đồng.

Nhờ tín dụng tăng trưởng cao 27,1%, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm nợ xấu về mức 1,57%, nhất là giảm bớt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn 716,5 tỷ đồng nên giúp lợi nhuận tốt hơn. Quý 4/2016 lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt 1.132 tỷ đồng.

Luỹ kế lợi nhuận trước thuế cả năm của Techcombank đạt 3.996,6 tỷ đồng, tăng trưởng 96,2% so với năm trước; lãi sau thuế còn 3.194 tỷ đồng. Hiện, Techcombank đang tạm dẫn đầu lợi nhuận ở khối ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.

Khối ngân hàng TMCP quy mô nhỏ đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ sau thời gian nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Đáng kể đến là ngân hàng Quốc Dân (NCB, mã: NVB) khi lãi thuần từ kinh doanh trước dự phòng rủi ro của năm 2016 tăng trưởng tới 91%, đạt 211 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 24,01%, tỷ lệ nợ xấu giảm tích cực về 1,54% dư nợ…

Riêng quý 4/2016, NCB ghi nhận thu nhập lãi thuần 208,8 tỷ đồng, giúp tổng lãi thuần cả năm đạt 952,86 tỷ đồng, tăng 24,9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 6,86 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, NCB đạt 16,55 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lãi sau thuế còn 13,24 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Đây là tín hiệu lạc quan khi ngân hàng đã và đang dần ồn định, hoạt động an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật.

Tương tự, ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2016. Cụ thể, dư nợ cho vay tăng tới 30%, đạt 40.141 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 288 tỷ đồng, tăng 168% so với năm 2015 chủ yếu lãi đậm từ mảng dịch vụ…

Còn Eximbank chưa công bố BCTC cụ thể, song lãnh đạo nhà băng này hé lộ kết quả kinh doanh năm 2016 có cải thiện tích cực, trong đó, tín dụng tăng trưởng dương 3%, có lãi trở lại… Ngân hàng vẫn đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra (sau điều chỉnh) ở mức khoảng 400 tỷ đồng. 

Nợ xấu “bào mòn” lợi nhuận

Khối các ngân hàng lớn gốc quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá. Tuy vậy, vấn đề xử lý nợ xấu, giảm bớt chi phí dự phòng rủi ro để cải thiện lợi nhuận vẫn đang là thách thức với các “ông lớn” ngân hàng này.

Theo BCTC quý 4/2016, Vietcombank (mã: VCB) đạt mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro hơn 4.088 tỷ đồng trong kỳ. Song vì chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 40% (chiếm tới 1.897 tỷ đồng) nên lãi ròng chỉ còn lại 1.767 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2016, Vietcombank đạt 8.517 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% và lãi sau thuế còn 6.845 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này có lẽ sẽ “đẹp” hơn nếu Vietcombank không bị “mất” tới 8.125 tỷ đồng lợi nhuận cho việc trích lập dự phòng rủi ro cho vay năm vừa qua. Vì đến cuối năm 2016, nợ xấu vẫn còn gần 6.836 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ.

Với trường hợp BIDV, nợ xấu liên tục tăng cao đáng ngại, vượt mức 10 nghìn tỷ đồng khiến cho nhà băng này phải tốn kém chi phí dự phòng rủi ro.

BCTC quý 4/2016 hợp nhất cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ của BIDV lại tăng mạnh 34% lên hơn 2.300 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế quý 4 đã bị sụt giảm mạnh tới 18% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.976 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến cuối năm 2016, khối nợ xấu của BIDV tăng cao kỷ lục lên tới 14.177 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm và chiếm gần 1,96% dư nợ. Trong đó, có tới 6.905 tỷ đồng dư nợ xấu nhóm 5- có khả năng mất vốn.

Nợ xấu “khủng” khiến ngân hàng phải tăng gấp đôi chi phí trích lập dự phòng rủi ro theo quy định lên mức 10.1015 tỷ đồng, đã “xén” mạnh lợi nhuận làm ra. Kết quả cả năm 2016, BIDV chỉ còn lại 7.734 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lãi sau thuế còn 6.248 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Vietinbank cũng cho biết, trong quý 4/2016, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế đạt 2.045 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Luỹ kế lợi nhuận năm 2016 đạt 8.530 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 1%. Đây là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, song với quy mô tín dụng hơn 720 nghìn tỷ đồng thì số nợ xấu cũng gần bằng mức lợi nhuận làm ra.

Nợ xấu tăng nhanh, chưa được xử lý tích cực khiến cho nhà băng bị hao hụt lợi nhuận vì phải thực hiện trích dự phòng rủi ro. Áp lực xử lý nợ xấu càng lớn hơn khi một số ngân hàng đang rục rịch niêm yết cổ phiếu lên sàn, hay lên UpCoM mà số liệu “đẹp” cũng là một tiêu chí rất quan trọng.

Thu Hằng

>> Kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém

Có thể bạn quan tâm