Dilma Rousseff - Nữ tổng thống kiêm Chủ tịch doanh nghiệp

Dilma Rousseff nguyên là Tổng thống Brazil, đồng thời kiêm Chủ tịch Hãng dầu nhà nước Petrobras. Cuộc đời của bà có thể nói là một cuốn phim đầy ấn tượng. Từ một nữ du kích, bà trở thành Bộ trưởng; th
Dilma Rousseff  - Nữ tổng thống kiêm Chủ tịch doanh nghiệp

Dilma Rousseff nguyên là Tổng thống Brazil, đồng thời kiêm Chủ tịch Hãng dầu nhà nước Petrobras. Cuộc đời của bà có thể nói là một cuốn phim đầy ấn tượng. Từ một nữ du kích, bà trở thành Bộ trưởng; thành Chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất Brazil; Tổng thống Brazil. 31/8 - châu Mỹ La tinh rúng động vì tin Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất. Venezuela, nơi đồng minh của bà Rousseff giữ ngôi tổng thống, vừa quyết định đóng băng quan hệ với Brazil do vụ Rouseff bị truất quyền, theo Reuters. Bolivia và Equadore cũng triệu hồi đại sứ về nước để phản đối Brasilia về vụ này. Ngay sau khi bị truất quyền, Dilma Rousseff thề sẽ quay lại chính trường. Bà phát biểu trước những người ủng hộ mình: “Họ nghĩ rằng họ đã chiến thắng, nhưng họ đã nhầm. Tôi biết rằng chúng ta sẽ tiếp tục tranh đấu”. “Họ” ở đây là những người vừa thành đạt trong cuộc “đảo chính của nghị viện” chống lại Dilma Rousseff. “Tôi muốn kết phát biểu của mình bằng một đoạn thơ của thi sĩ thiên tài Maiakovsky: “Chúng ta không có gì để hân hoan, nhưng cũng chẳng việc gì phải buồn đau. Dòng chảy lịch sử vẫn tuôn trào”. Rousseff ngâm nga bài “Thì đã sao nào” của thi sĩ Nga Xô cánh tả Majakovski, bằng tiếng Bồ Đào Nha. Nữ chiến binh dũng cảm Dilma Rousseff sinh năm 1947 trong một gia đình đảng viên cộng sản, tị nạn chính trị từ Bulgaria chạy sang Brazil từ hai thập kỷ trước. Mới 14 tuổi, Dilma đã bước vào hoạt động chính trị sau khi cuộc đảo chính quân sự xảy ra năm 1964. Kể từ 17 tuổi. Dilma đã thoát ly, cùng những thanh niên gốc đô thị nhập vào hàng ngũ du kích chống chế độ độc tài quân phiệt. Vừa tuổi 20, Dilma Rousseff bị quân chính phủ bắt giam vì tội nổi dậy chống nhà nước và bị bỏ tù, từ 1970 - 1972. Sau khi chế độ ở Brazil được dân chủ hóa, Rousseff tham gia chính trường. Vào cuối thập niên 1990 bà từ bỏ Đảng Lao động dân chủ, nhập vào hàng ngũ một đảng cấp tiến cánh hữu, Đảng Công nhân. Năm 2003, bà được tổng thống Lula da Silva mời vào chính phủ, làm Bộ trưởng năng lượng. Bà trở thành phụ nữ đầu tiên đắc cử tổng thống Brazil vào năm 2010. Bà tái cử thành công, tuy nhiên chỉ với một đa số mong manh trong một cuộc bầu cử có kết quả vô cùng phân tán. Từ 2003 – 2010, bà kiêm Chủ tịch Hãng dầu nhà nước Petrobras. Từ 2013, sân sau Petrobras của Đảng cầm quyền rung chuyển trong bê bối tham nhũng. Cùng tổng thống tiền nhiệm và đồng minh thân thiết Lula da Silva, Rousseff bị cáo buộc trục lợi từ sơ đồ tham nhũng trên nền Petrobras. Tháng 9/2015, sau khi buộc tội bà gian lận tài chính và vi phạm luật thuế, các đảng phái chống đối khởi động qui trình phế truất nữ tổng thống này. Cũng từ 2015 trở đi, các đảng đối lập cáo buộc bà Rousseff đã có những gian lận trong chiến dịch tái cử tổng thống. Cụ thể, bà bị cáo buộc sử dụng trái phép tiền từ các ngân hàng nhà nước để hàn chỗ hổng trong ngân sách quốc gia, trong nỗ lực nhằm tăng cường tỉ lệ ủng hộ mình tại cuộc tranh cử tổng thống Brazil năm 2014. Các nguồn Nga khi viết về Petrobras thường so sánh nó với Gazprom. Từ khi scandal tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil bị phanh phui tại Petrobras năm 2014, khiến các tổng thống nguyên và cựu của Brazil bị điều tra hoặc liên đới, báo Nga càng có những liên tưởng giữa hai nền kinh tế và những “đồng bệnh tương liên” từ giá dầu. Đặc biệt, báo DP của doanh nghiệp Nga nhấn mạnh, chính Da Silva tích cực vận động nhiều năm, và đã chuyển được Petrobras trở lại thuộc quyền kiểm soát của nhà nước, dù nó đã thuộc diện được tư nhân hóa từ những năm 1990. Còn nhớ, chính Gazprom cũng có một số phận tương tự. Thật vậy, Bloomberg số ra 23/9/2010 có đoạn viết: “Chính phủ sẽ tăng tỷ lệ vốn của mình trong Petrobras, doanh nghiệp lớn nhất Mỹ Latin về trị giá trên thị trường, từ 39% hiện nay lên tới 55%”. Bloomberg cho rằng sự kiện này cho thấy tổng thống Lula da Silva đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho nhà nước, để mở đường cho việc chính thức lựa chọn Dilma Roussell vào ngôi kế vị, sẽ xảy ra vào tháng sau (tháng 10/2010). Petrobras Trong bài “Vì sao bê bối của Brazil lại thời sự với Nga”, báo DP, số ra 12/5/2016 đã đưa khái niệm “vệt dầu loang trên uy tín của Đảng” (cầm quyền) để nói về vụ Petrobras. Bài này viết, dù cáo buộc gần đây nhất đối với Dilma Rousseff là: bà gian lận trong phân phối các dự án nhà nước để đổi lấy tiền hối lộ, nhưng mọi sự bắt đầu từ tham nhũng ở Petrobras – Hãng dầu quốc gia lớn nhất Nam Mỹ. Được điều tra từ 2014, ban đầu vụ này chỉ liên quan đến rửa tiền, nhưng về sau một trong những nghi can, trùm “tài chính đen” Alberto Youseff cung khai đã mua cho Tồng giám đốc Petrobras một chiếc xe Land Rover Evoque tân kỳ. Sau khi khớp lời khai của hai vị này, cơ quan điều tra đã làm rõ được: một liên minh của các nhà thầu xây dựng đồng lõa với lãnh đạo Petrobras để tạo ra cơ chế đổi dự án nhà nước lấy tiền bẩn. Cơ quan điều tra cho hay, khi trước bắt đầu khai, Iuseff cảnh báo “Một khi tôi bắt đầu cung, đất nước sẽ tan tành”. Youseff tiết lộ bà Rousseff, ở cương vị Chủ tịch Petrobras, có biết sơ đồ lại quả này, Wikipedia dẫn Bloomberg, bản tiếng Bồ Đào Nha, số ra 13/1/2015. Báo DP viết tiếp, gần 3% giá trị của mỗi hợp đồng nhà nước được bí mật chuyển vào quỹ Đảng Công nhân cầm quyền (Workers’ Party), mà các đại biểu của nó giữ các vị trí chủ chốt trong Chính phủ và trong các doanh nghiệp nhà nước, và cả vào tài khoản của các đồng minh khác đảng phái của họ. Nhờ số tiền đó, Đảng Công nhân đã tiến hành các chiến dịch tranh cử, các dự thẩm khẳng định, nhưng lãnh đạo đảng cầm quyền hiện vẫn phủ định. Bản thân các lãnh tụ của Petrobras cũng có tiền gửi tái khoản ngân hàng Thụy Sĩ lên tới con số trăm triệu USD. Tổng tổn thất ngân sách lên tói hàng chục tỉ USD, số tiền đem hối lộ vượt qua con số 6 tỉ USD, theo báo Nga. Cho tới nay, đã liệt kê được ba vị tổng thống và một người đứng đầu Hạ viện “tắm chung” cái ao đục là vụ bê bối tại Petrobras. Công tác điều tra đã dẫn chúng ta về với cựu tổng thống Fernando Collor de Mello (cầm quyền 1990 – 1992). Ông bị buộc tội nhận 1 triệu USD tiền lo lót của Petrobras. Trước thềm cuộc đua tái cử của Rousseff, Forbes số ra 11 tháng 9, 2014 có bài “Vì sao Tổng thống Brazil Dilma Roussell không nên được bầu lại”. Bài có đoạn viết: “Doanh nghiệp lớn nhất, do nhà nước kiểm soát, Petrobras, đã bị hư hoại nghiêm trọng bởi Rousseff”. Bài cho hay Petrobras đã từ lâu được sử dụng bởi Lula da Silva và Rousseff để giành lợi riêng cho họ. “Những ai tỏ ra trung thành hoặc cần thiết cho chính quyền được cấp cho những công việc hời tại “con hà mã (ý nói bộ máy đồ sộ) dầu khí”, cũng như được tạo cho những hợp đồng béo bở (đôi khi đáng ngờ). Chính điều này đã làm suy kiệt tiềm năng của Petrobras, vì một số lãnh đạo của nó ngồi đó chỉ đơn thuần nhờ quan hệ với chính khách. Petrobras được sử dụng bởi chính phủ như một cách kiểm soát lạm phát, bình ổn giá, khiến cho doanh nghiệp này lỗ tới 20 tỷ USD trong năm 2013, theo báo Folha de S. Paulo…” Forbes cũng vạch ra những tham nhũng trong nội bộ Petrobras. Báo này viết: “Cách đầu tư kỳ cục ở Petrobras gồm cả cuộc tậu doanh nghiệp Pasadena Refining System Inc., năm 2006 mà Petrobras phải trả tới 1,25 tỷ USD , tức là gấp 20 lần giá của nhà máy lọc dầu đóng ở Texas này. Thương vụ này đang được nhà chức trách Brazil điều tra”. Ai cũng nhúng chàm Trong khi lãnh đạo Hạ viện Eduardo Neves da Cunha và đồng sự đang hăm hở điều tra vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử đất nước tại Petrobras – scandal, thông tin rò rỉ từ Hồ sơ Panama (tháng 4/2016) đã tiết lộ ông Cunha dính dấp của với một công ty offshore. Tháng 5, Tòa án tối cao Brazil đã bãi chức Chủ tịch Hạ viện của ông Eduardo Cunha. Ông bị cáo buộc dính líu trong “bê bối Petrobras”. Đã phát hiện được 5 tài khoản của ông Cunha và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ, gồm cả khoản thu bất chính. Thụy Sĩ đã phong tỏa các tài khoản trên, tổng giá trị khoảng 5 triệu USD. Ông Cunha là người cầm đầu âm mưu phế truất Tổng thống Dilma Rousseff, một mưu đồ nay thành đạt. Nhưng việc tên của cả hai vị này đều xuất hiện trong “Hồ sơ Petrobras” hẳn là một mỉa mai của lịch sử nền kinh tế “trứng một giỏ”, khi chất bôi trơn là nguyên liệu bay đi, chỉ còn lại bế tắc, trống rỗng, trong đấu đá và… hình sự. Sau cú “thay ngựa giữa dòng”, hoặc “đảo chính bằng nghị viện”, cấp phó cho bà Roussell là ông Michel Temer lên cầm quyền, đối mặt với tình trạng suy thoái sâu của đất nước này. Một mai, nếu cuộc cầm quyền của Temer không đáng “đồng tiền bát gạo”, người ta chắc lập tức nhớ lại ông từng đứng cùng liên danh với bà Dilma trong cuộc chạy đua vào Dinh tổng thống. Những cáo buộc “gian lận trong tranh cử” nằm trong “kho binh khí” vừa được dùng để lật đổ nữ tổng thống. Tế thần Cũng có thể đã xảy ra ngấm ngầm một mưu đồ, tới cơn bĩ cực, đổ mọi hệ lụy lên đầu một người, đồng lõa bởi cả kẻ thù và “đồng minh” của Rousseff. Một nguyên nhân hệ trọng khiến Rousseff thất cơ hẳn còn do một “viên gạch” của khối các nền kinh tế BRIC đã “ngói hóa” (mủn đi) khi dầu mất giá, Số vụ việc bị phanh phui chống lại giới cầm quyền bùng lên trên đà xuống dốc chóng mặt của nền kinh tế từ khoảng 5 năm lại đây. Thời thịnh vượng nhờ bán nguyên liệu đã hết – năm ngoái GDP của Brazil đã giảm đi 3,8%, đồng tiền của nước này mất giá tới 40%. Thị trường chứng khoán sút giảm, thất nghiệp tăng cao, người dân ngày một nghèo đi, các doanh nghiệp thu nhập kém đi, còn chính phủ buộc phải tận thu bù ngân sách. Nợ quốc gia lên tới 1 tỷ USD. Trong phiên luận tội dẫn đến phế truất bà, Dilma Rousseff đã khóc, “Đây là phiên tòa thứ hai mà tôi phải trải qua, cùng với nền dân chủ bên cạnh tôi trên ghế bị cáo”, bà nhắc lại những ngày bị chế độ độc tài tra tấn, buộc chịu cực hình hàng ngày. “Hôm nay nỗi lo duy nhất của tôi chỉ là nền dân chủ này sẽ chết”. Dù thế nào đi nữa, những uẩn ức trong đời Rousseff vẫn có thể khiến ta phải ứa nước mắt trước số phận của người phụ nữ quả cảm này. Dám nhận vừa làm quan chức vừa quản trị cấp chiến lược, bà Dilma hẳn là vừa có chí, vừa có gan. Chính trường và thương trường là chiến trường, và ngược lại. Nhưng thắng trên chiến trường, và cả trên chính trường chưa phải là đảm bảo chắc chắn cho thành đạt trong quản trị kinh doanh. Thương trường chắc khó hơn chính trường và chiến trường – những nơi có kẻ thắng người thua. Thương trường đích thực chắc phải đảm bảo, về lâu dài, các bên cùng thắng – theo nghĩa cùng có lợi.

                                                                                              Lê Đỗ Huy

Có thể bạn quan tâm