Đô thị biển và cuộc “đổ bộ” của các đại gia bất động sản

Sự trỗi dậy của thị trường BĐS biển thời gian qua đã thu hút hàng tỷ USD từ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự đại đô thị biển, khiến thị trường này ngày càng sôi động. Giá BĐS biển, vì thế cũng không ngừng nóng, tăng gấp 3-4 lần trong vòng 10 năm qua.
Khu đô thị biển phức hợp sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới
Khu đô thị biển phức hợp sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, đơn vị tổ chức Hội thảo “Sức hút đô thị biển” sáng 14/10/2020 tại TP.HCM, nhấn mạnh: “Bất động sản biển là một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế biển. Thời gian qua, bất động sản biển đã phát triển rất mạnh với đa dạng các loại hình sản phẩm và quy mô dự án ngày càng lớn”.

Khu đô thị biển phức hợp sẽ dẫn dắt thị trường

Theo ông Minh, xu hướng bất động sản biển đã có sự thay đổi rất lớn, không chỉ đơn thuần là một dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây mà đã và đang hình thành nên các đại đô thị biển bao gồm đa dạng loại hình bất động sản như biệt thự, shophouse, nhà liền kề, chung cư, condotel và các tiện ích trường học, bệnh viện, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe… có thể đảm bảo cho cả cộng đồng dân cư sinh sống.

“Các khu phức hợp đô thị biển có quy mô lớn đang rất hấp dẫn nhà đầu tư do có nhiều sản phẩm như chung cư, biệt thự… có thể được sở hữu lâu dài theo cơ chế quản lý với đất ở đô thị.

Mặt khác, một đô thị biển đủ lớn sẽ hình thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng và trải nghiệm cũng như buôn bán, kinh doanh hấp dẫn. Do đó, đây sẽ là những sản phẩm dẫn dắt xu thế phát triển của bất động sản ven biển trong thời gian tới”, ông Minh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, rất nhiều tài sản, tài nguyên du lịch của Việt Nam đang được phân bổ cho những nhà đầu tư không xứng tầm. Họ không có tiềm lực về tài chính, năng lực quản trị, không có tham vọng lớn để đưa tài nguyên địa phương trở thành tài sản quốc gia bởi "sau khi được địa phương phân bổ một tài sản, họ rào lại, bán vé thu tiền và chấm hết".

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, quốc gia cần có những con sếu đầu đàn để dẫn dắt nền kinh tế thì bất động sản biển cũng cần có các doanh nghiệp lớn, góp phần định nghĩa chính xác về đô thị biển hiện đại.

Thực tế thời gian qua, thị trường bất động sản biển đã chứng kiến sự “đổ bộ” của hàng loạt các đại gia bất động sản như Tập đoàn Novaland với Novaworld Hồ Tràm, Novaworld Phan Thiết; Tập đoàn Hưng Thịnh với dự án quy mô hơn 1.000ha tại Quy Nhơn; Tập đoàn Vingroup với hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng tại khắp cả nước; Tập đoàn Phát Đạt với Nhơn Hội NewCity; Tập đoàn Danh Khôi với hàng loạt các thương vụ M&A quỹ đất vàng ven biển tại Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu; Tập đoàn LDG với các siêu dự án mang tên LDG Grand tại các vùng biển của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam hay Công ty Hưng Lộc Phát với dự án Mũi Né Summerland Resort…

Sự góp mặt của các chủ đầu tư lớn với tiềm lực tài chính dồi dào và tầm nhìn dài hạn sẽ tạo lập nên nhiều đại dự án đô thị biển quy mô lớn, đa dạng sản phẩm và hình thái sở hữu, được quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, hạ tầng tiện ích…, tạo thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.

Vị chuyên gia này lấy một trường hợp ấn tượng trong nghiên cứu của mình gần đây về năng lực và tham vọng lớn của Tập đoàn Novaland khi phát triển 2 đại đô thị biển mang thương hiệu Novaworld là Novaworld Hồ Tràm và Novaworld Phan Thiết.

“Đây đều là những đại đô thị có quy mô hàng nghìn hec-ta với hàng ngàn sản phẩm bất động sản biển, hàng trăm tiện ích khủng được tích hợp, tạo nên một quần thể đô thị biển có sức hút”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nền tảng pháp lý được hoàn thiện sẽ tạo thêm sức bật cho thị trường bất động sản biển
Nền tảng pháp lý được hoàn thiện sẽ tạo thêm sức bật cho thị trường bất động sản biển

Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Minh, để mô hình đô thị phức hợp ven biển phát triển lành mạnh, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, hành lang pháp lý đối với hoạt động giao dịch, sở hữu và vận hành sản phẩm này cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Trong đó, những vấn đề đang được thị trường quan tâm như trong đại đô thị biển có được hình thành cộng đồng dân cư? Nếu có, sẽ phải giải quyết thế nào để hài hòa giữa tiêu chuẩn quản lý vận hành các sản phẩm, dịch vụ nghỉ dưỡng với quản lý vận hành khu dân cư?

Đối với phần đất kinh doanh thương mại trong các dự án đô thị biển có thời gian sở hữu 50 năm hoặc thấp hơn, người mua sẽ được giải quyết quyền lợi như thế nào sau khi thời hạn sở hữu kết thúc (có được gia hạn sở hữu tự động, tiền sử dụng đất giai đoạn sau do chủ đầu tư dự án hay người sở hữu sản phẩm chi trả)?  Mô hình quản lý phù hợp với đại đô thị biển là gì để nhà đầu tư yên tâm sở hữu cho cả mục đích đầu tư và mục đích để ở?

“Khi nền tảng pháp lý được hoàn thiện, cùng với sức hấp dẫn tự thân, đô thị biển chắc chắn sẽ chứng kiến những bước phát triển rực rỡ trong những năm tới”, ông Minh nói.

Giá bất động sản biển tăng 3 - 4 lần trong 10 năm qua

Đây là thông tin được ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam đưa ra sau khi nhìn lại chu kỳ 10 năm qua của thị trường bất động sản biển. Theo ông Lâm, cụm từ “BĐS nghỉ dưỡng”, “BĐS biển” cách đây 10 năm còn rất mờ nhạt nhưng gần đây đã xuất hiện dày đặc khi hàng loạt các dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn được đầu tư phát triển.

“Thị trường BĐS biển bắt đầu phát triển cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS và thực sự bùng nổ từ 2016 đến 2018 với hàng loạt các sản phẩm mới, trong đó có loại hình condotel gây nhiều tranh luận cả về yếu tố pháp lý và các cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư”, ông Lâm nhấn mạnh và cho biết: Sự phát triển mạnh của BĐS biển đã tạo ra những thị trường BĐS mới tại các địa phương sở hữu các bờ biển đẹp, có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc một số chủ đầu tư chạy đua, đẩy cam kết lợi nhuận lên cao nhưng không thực hiện được đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là dòng sản phẩm condotel, thoái trào từ năm 2019. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã khiến ngành du lịch tê liệt, kéo theo thị trường BĐS biển rơi vào trầm lắng.

“Đây là khoảng dừng cần thiết để định hình lại thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau giai đoạn bùng bổ với nguồn cung ồ ạt, vượt quá khả năng hấp thụ để “thanh lọc” các chủ đầu tư yếu kém về năng lực, không mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư”, ông Lâm nhấn mạnh.

Giá bất động sản biển tăng 3 - 4 lần trong 10 năm qua
Giá bất động sản biển tăng 3 - 4 lần trong 10 năm qua

Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia khác, vị thuyền trưởng của DKRA Việt Nam, đơn vị thường xuyên đưa ra các báo cáo nhận định về thị trường BĐS, cũng cho rằng: Với các khu đô thị biển, chủ đầu tư phải là những đơn vị có đủ năng lực kể cả về tài chính, khả năng triển khai dự án…, bởi một dự án BĐS nghỉ dưỡng phải hội tụ nhiều yếu tố thì mới có thể để trở thành “điểm đến” có đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Nhận định về khả năng phục hồi của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Lâm cho rằng: Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng như những yếu tố pháp lý chưa rõ ràng sẽ khiến thị trường BĐS biển bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi đại dịch được kiểm soát thì ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế nói chung và mức sống người dân được nâng cao, tỷ lệ tăng của tầng lớp trung lưu và người giàu mới, cụ thể tỷ lệ triệu phú USD ở Việt Nam có khoảng hàng triệu người thì việc sở hữu ngôi nhà thứ 2 – second home ở khu vực biển là điều rất bình thường. Và đây chính là những cơ sở để tin rằng thị trường BĐS biển vẫn luôn có sức hút với các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm