Doanh nghiệp biến động mạnh: Khó khăn đang kéo đến?

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu về tình hình doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018. Nhìn vào các con số, có thể thấy các doanh nghiệp đang đối mặt khô
Doanh nghiệp biến động mạnh: Khó khăn đang kéo đến?

Doanh nghiệp khó khăn bằng 80,4% doanh nghiệp thành lập mới

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm tới 7,8% so với tháng trước, chỉ còn 11.262 doanh nghiệp. Tương tự, số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này cũng giảm 7,6%, ở mức 122.097 tỷ đồng.

Trong khi đó, số doanh nghiệp từng ngừng hoạt động trước đây, tháng này quay lại kinh doanh tăng khá mạnh, tới 9% so với tháng 6, đạt 2.970 doanh nghiệp. Nhưng, cũng trong tháng 7/2018, trên địa bàn cả nước có 2.442 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 7,3% so với tháng 6.

Ở diễn biến tích cực khác, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể ghi nhận được là 5.530 doanh nghiệp, giảm 14,7%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.085 doanh nghiệp, giảm 1%.

Tuy vậy, tương quan giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động, giải thể trong so sánh với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại làm dấy lên quan ngại. Tổng cộng có 9.057 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường, bằng 80,4% doanh nghiệp thành lập mới.

Bất động sản đi ngược xu hướng

Doanh nghiệp biến động mạnh: Khó khăn đang kéo đến? ảnh 1

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tình hình đăng ký mới có vẻ khả quan hơn. Cụ thể, tính đến nay cả nước có 75.793 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 771.064 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới ghi nhận nổi bật ở ngành kinh doanh bất động sản, với mức tăng 43,9%; sản xuất phân phối, điện, nước, gas và y tế, hoạt động trợ giúp xã hội cùng tăng 24,9%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 24,6%.

Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tập trung phần lớn ở các ngành: kinh doanh bất động sản với 232.991 tỷ đồng, chiếm 30,2% trên tổng số vốn đăng ký; xếp tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng diễn biến tích cực hơn, trong 7 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 18.696 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng, bất chấp tinh thần khởi nghiệp lên cao như những con số vừa dẫn, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản, giai đoạn này đang chứng kiến nhiều hơn số doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 19.994 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 39.916 doanh nghiệp, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017.

“Những con số trên cho thấy bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.

 Theo Thời báo Ngân hàng

Có thể bạn quan tâm