Doanh nghiệp cần chủ động trước việc siết tín dụng vào bất động sản

Ngân hàng đang có động thái sẽ siết chặt tín dụng bất động sản trong năm 2019, doanh nghiệp cần tìm nguồn vốn khác thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp cần chủ động trước việc siết tín dụng vào bất động sản

Theo thống kê, tính đến cuối 2018, dư nợ cho vay BĐS ước khoảng 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế, tính cả cho vay bất động sản và xây dựng, tỷ trọng này lên đến 16,5%. 

Hiện nay, nếu tính cả cho vay mua nhà, cho vay sửa chữa nhà thông qua cho vay tiêu dùng thì tổng dư nợ kinh doanh BĐS xây dựng và liên quan đến nhà ở chiếm đến 22,5% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã quản lý những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, các dự án BT, BOT. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản vẫn ở đà tăng 8 – 10%/năm.

Trước dòng vốn đổ vào tín dụng lớn, Ngân hàng Nhà nước đã "rà phanh" để hạn chế tín dụng tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, việc "rà phanh" này sẽ có tác động nhất định lên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc thắt chặt tín dụng vào thị trường BĐS năm 2019 có những tác động nhiều chiều đối với các nhà kinh doanh BĐS.

Đối với người mua nhà, đây không phải là điều tích cực vì lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng trả nợ của người dân khi mua nhà. Chính vì thế, nhiều người có thể không có khả năng mua nhà hoặc mua được thì cũng vất vả trả nợ.

"Theo kinh nghiệm của tôi, bong bóng BĐS thường xảy ra khi các ngân hàng dễ dàng cho vay với lãi suất thấp và từ đó rủi ro bong bóng xuất hiện", TS. Hiếu nói.

Ở chiều ngược lại, khi tín dụng BĐS bị thắt chặt và lãi suất cao, các doanh nghiệp bắt buộc phải hạn chế hoạt động kinh doanh bất động sản của mình. Điều này khiến cho thị trường BĐS sẽ phát triển chậm nhưng có độ ổn định cao và tránh được bong bóng không đáng có.

"Tín dụng bất động sản bị thắt chặt là cơ hội để thị trường thanh lọc những chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực triển khai dự án, TS Hiếu nhận định.

Siết tín dụng là điều chắc chắn sẽ xảy ra, đây là thời điểm doanh nghiệp BĐS buộc phải tìm cách để huy động vốn một cách bền vững hơn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn FDI...

Trong báo cáo thị trường BĐS 10 tháng đầu năm 2018, HoREA cho biết, tính đến cuối năm 2017, có 58/65 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Đây là kết quả khả quan cho doanh nghiệp có thể huy động được vốn từ thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành này cũng đang chuyển hướng sang kênh trái phiếu nhằm huy động vốn cho các dự án sắp tới của mình.

Một số doanh nghiệp đã gọi vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng.

Ngay cả các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết cũng đã thông qua các công ty chứng khoán tư vấn và nhờ ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn cho mình, với lãi suất dao động từ 9-10%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định: “Việc phát hành cổ phiếu chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, sức khỏe tài chính ổn định, có thị trường ổn định và tỷ lệ sinh lời tốt. Những doanh nghiệp nhỏ không có thị phần, không có báo cáo tài chính kiểm toán độc lập và không có lãi thì bị loại khỏi nguồn vốn cổ phần đó.

“Với doanh nghiệp BĐS, việc phát hành cổ phiếu có phần khó khăn hơn bởi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ lẻ, vốn chủ sở hữu thấp, vì vậy cơ hội chỉ thực sự mở ra cho doanh nghiệp có kế hoạch tốt và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.” TS Hiếu cho hay.

Có thể bạn quan tâm