“Doanh nghiệp đầu tư phụ thuộc vào thái độ của địa phương”

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp, không chỉ quy hoạch tầm nhìn chiến lược của địa phương, hạ tầng cơ sở, nhân sự… mà chính yếu tố thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư mới thu hút "đại bàng nội" đến “làm tổ”.

“Doanh nghiệp đầu tư phụ thuộc vào thái độ của địa phương” ảnh 1Lựa chọn môi trường đầu tư “cởi mở”

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, khối doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định vai trò quan trọng và tạo ra những dấu ấn rõ nét. Theo đó, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm cho người dân.

Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam suốt hơn 1 năm qua đã phải gồng mình để chống đỡ, tìm cách tồn tại qua khó khăn. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp chủ động chuyển mình với chiến lược đầu tư, kinh doanh linh hoạt để vượt qua khủng hoảng, dần hồi phục.

Tại hội thảo với chủ đề “làm tổ cho đại bàng nội” ngày 5/3 tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ, đại dịch Covid-19 là minh chứng cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp cùng với Chính phủ và người dân.

Ông Tiến cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều cuộc gặp với doanh nghiệp để những người làm luật, làm chính sách có thể lắng nghe, có thêm tiếng nói mạnh mẽ hơn về cộng đồng doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà đầu tư lớn với hàng trăm dự án vào các địa phương, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ 3 yếu tố quan trọng nhất khi tập đoàn này lựa chọn đầu tư tại địa phương.

Thứ nhất là tầm nhìn về quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế địa phương đang cần đầu tư vào lĩnh vực nào. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư. Mỗi địa phương có cách chuẩn bị đón các doanh nghiệp, nhưng nếu nơi nào quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối thì đó là lợi thế lớn.

Thứ 3 là nguồn lao động địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, vì nguồn lao động rất quan trọng, chính là thị trường cho doanh nghiệp phát triển tại nơi đến.

Điểm nhấn mạnh nữa mà bà Kiều Dung cũng đề cập là thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Bà cho biết, nếu nhận được sự quan tâm chào đón chân thành, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư. “Môi trường chính trị, sự đoàn kết, xuyên suốt chỉ đạo các cấp tại địa phương cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư lâu dài của chúng tôi”, đại diện FLC nhấn mạnh.

Có một thực tế khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Tuy nhiên với doanh nghiệp trong nước thậm chí quy mô lớn hơn công ty nước ngoài thì lại sự không có sự cam kết đó.

Bà Dung cho rằng không cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn nhưng cần chính sách ưu đãi chung cho các lĩnh vực Nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là du lịch. Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cần cơ chế này bởi việc hoàn vốn khá lâu.

Chồng chéo luật gây khó cho đầu tư

Tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó khăn cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực và sự không an toàn cho doanh nghiệp. VCCI đang đề nghị thành lập tổ công tác phát hiện chồng chéo pháp luật, với 11 tổ rà soát trong 11 lĩnh vực để sửa các văn bản chồng lấn.

TS Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó cho nhà đầu tư
TS Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề chồng chéo pháp luật gây khó cho nhà đầu tư

Dẫn chứng từ điểm đến đầu tư hấp dẫn là Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá tỉnh này có khác biệt rõ rệt với thủ tục hành chính nhanh, các công trình đối tác công tư lớn, khiến các nhà đầu tư hài lòng khi đến đây. Ông gọi đây là "cái nôi của nhiều ý tưởng, mô hình cải cách của địa phương" và có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành.

Quảng Ninh cũng là một trong địa phương đầu tiên có trung tâm hành chính công. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát, tương tác của Quảng Ninh và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở.

"Nhiều nhà đầu tư lớn từng làm việc với các tỉnh, vùng kinh tế tế lớn phía Nam vẫn so sánh Quảng Ninh là "một trời một vực" bởi thủ tục nhanh chóng. Các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup... đến đây đều được người đứng đầu tỉnh mời gọi chân thành. Chính thái độ thân tình đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Lộc dẫn chứng.

Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho biết, cơ quan soạn thảo luật là Chính phủ, chủ trì bởi một bộ ngành, Chính phủ thống nhất rồi trình ra Quốc hội. Quá trình này tuy khiến nhiều luật định có sự thay đổi nhưng về cơ bản bản dự thảo ban đầu đưa ra nếu tốt có thể giữ đến 80-90%, hoặc kém lắm thì thay đổi 50-60%.

Ông nhấn mạnh, Việt Nam định hướng xây dựng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì vậy các luật và quy định thường nhấn mạnh đến vai trò quản lý của các bộ ngành trung ương.

“Quốc hội đã nhận thức và trao đổi với Chính phủ để tạo ra một môi trường thông thoáng. Riêng Luật Đất đai, Quốc hội và các Uỷ ban họp rất nhiều và luôn cố gắng để hoàn thành trách nhiệm với cử tri”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm