Doanh nghiệp Đức muốn thực hiện “siêu dự án” điện gió ngoài khơi Bình Định

Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) mong muốn sớm khởi động dự án điện gió ngoài khơi thuộc hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ của tỉnh Bình Định với số vốn dự kiến lên đến 4,8 tỷ USD.
Doanh nghiệp Đức muốn thực hiện “siêu dự án” điện gió ngoài khơi Bình Định

Chiều 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã có buổi làm việc với ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cùng đại diện Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) để đánh giá nghiên cứu tiền khả thi, tiến tới khởi động Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định (Dự án).

Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi thuộc hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ của tỉnh Bình Định. Dự án có tính khả thi cao, cung cấp lượng điện năng đáng kể cho tỉnh Bình Định và hệ thống điện Quốc gia từ 6,6 - 7 tỷ kWh/năm; tổng đầu tư hơn 113 nghìn tỷ đồng (4,8 tỷ USD).

Dự án do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) làm đơn vị tư vấn. Báo cáo kết quả sơ bộ tính khả thi cho thấy, Dự án triển khai ngoài khơi huyện Phù Mỹ và Phù Cát, diện tích khảo sát 96.470ha, xây dựng 154 - 166 tuabin gió (công suất 12 - 13MW/tuabin), tổng công suất khoảng 2.000MW.

Tập đoàn PNE dự kiến xây dựng từ 154 - 166 tuabin gió với tổng công suất lên đến 2.000 MW. Dự án sẽ được thực hiện ở 3 giai đoạn, gồm có giai đoạn thí điểm quy mô 700MW với vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, ở vùng biển có độ sâu từ 60 – 100m  (năm 2025); giai đoạn 1 quy mô 700MW (năm 2026); giai đoạn 2 quy mô 600 MW (năm 2027). Tốc độ gió trung bình khu vực dự án (sơ bộ) là 8 m/s.

Phía Tập đoàn PNE cam kết sẽ tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án trong năm 2021 và bắt đầu xây lắp giai đoạn thí điểm vào năm 2024.

Tại buổi làm việc, nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh sớm trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị xem xét bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Bình Định vào Quy hoạch điện VIII.

Trước đề xuất trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long khẳng định, tỉnh hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư để xúc tiến triển khai Dự án. Điểm mấu chốt nhất là Dự án phải được bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, đề nghị Tập đoàn PNE phối hợp chặt chẽ Viện Năng lượng để hoàn thiện đánh giá khả thi, hồ sơ, thủ tục dự án.

Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ngành đến cuối tháng 12/2020 phải trình UBND tỉnh báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả của UBND tỉnh Bình Định cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong thời gian qua. Ông tin tưởng việc triển khai dự án công viên điện gió tại tỉnh sẽ đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp điện gió có khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính đến nay, đã có 3 dự án của Cộng hòa Liên bang Đức đầu tư tại Bình Định với tổng vốn hơn 15 triệu USD; trong đó, có Dự án Nhà máy sản xuất thuốc tiêm – dịch truyền đạt tiêu chuẩn GMP-WHO tại Bình Định của Công ty cổ phần Fresenius Kabi Việt Nam có vốn đầu tư hơn 13 triệu USD.

Có thể bạn quan tâm