Doanh nghiệp FDI “bất an” trước việc Việt Nam thường xuyên thay đổi chính sách

Tại hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra ngày 7/12, nhiều doanh nghiệp FDI đang tỏ ra bất an trước việc Việt Nam thường xuyên thay đổi ch
Doanh nghiệp FDI “bất an” trước việc Việt Nam thường xuyên thay đổi chính sách

Lo ngại về những thay đổi trong chính sách của Việt Nam

Theo ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, hiện có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đều nỗ lực góp phần vào việc đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, các thành viên của Amcham đang gặp phải khó khăn từ việc thực thi chính sách thiếu đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Adam Sitkoff cho biết: “Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế đối với mặt hàng này, bởi nó tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được minh chứng là đánh thuế để bảo vệ sức khỏe...”

Ông Adam Sitkoff dẫn chứng thêm, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, Luật cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet dù điều này đã được quy định trong các luật khác. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định việc nhà cung cấp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam, quy định này không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài.

“Những thay đổi gần đây trong chính sách của Việt Nam đang gây nên lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” – ông Adam Sitkoff khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Herbert Cochran- Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam cho biết thêm, việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư.

Nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư, họ sẽ xây dựng một kế hoạch kinh doanh dài hạn từ 5 đến 10 năm để ước tính lợi nhuận đầu tư thu được. Những thay đổi về thuế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất”.

Nên thiết kế thống nhất và đảm bảo thực thi công bằng

Từ thực tế đó, ông Adam Sitkoff kiến nghị, các chính sách của Việt Nam phải được thiết kế thống nhất và đảm bảo thực thi công bằng. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường. Đây cũng là một vấn đề quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân.

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói thêm, hai nút thắt cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp, cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập, ông Mại nhìn nhận. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả.

Qua kết quả khảo sát với các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI thông tin, điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là chính sách thuế ổn định, truyền thống; chi phí đầu tư rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định, và thuế ổn định.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp khiến doanh nghiệp FDI lo lắng. "Trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro", ông Tuấn cho biết.

"10 đồng xuất khẩu, doanh nghiệp FDI góp 7 đồng

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, 11 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nguồn vốn FDI đóng góp lớn khi "cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI".

Khu vực FDI đang chiếm 20% GDP, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đã có sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư, làn sóng FDI.

Có thể bạn quan tâm