Doanh nghiệp khốn khổ vì ma trận quy định

Nếu các cam kết tháo gỡ khó khăn cho DN từ các bộ, ngành được thực hiện đúng và đủ, có lẽ DN không khốn khổ đến thế.
Doanh nghiệp khốn khổ vì ma trận quy định

Ma trận

Cầm 1 tập giấy A4 giơ lên, cố gắng kiềm chế cảm xúc trong giọng nói, luật sư Trần Ngọc Hân, Đại diện Ủy ban Thực phẩm và đồ uống của AmCham nói: “Đây là tập hồ sơ xin giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm của 1 sản phẩm được gửi tới Bộ Y tế. Chúng tôi mất 6 tháng để hoàn tất các thủ tục, các lần đề nghị bổ sung”.

Lời này được luật sư Hân dành cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Y tế, có mặt tại cuộc đối thoại về tháo gỡ khó khăn cho DN trong thực hiện thủ túc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào giữa tháng 9/2017.

Nhưng, mọi việc chưa dừng lại. Luật sư Hân đã không thể hiểu nổi khi giấy xác nhận công bố an toàn thực phẩm mà DN vất vả lên xuống có được lại ghi là tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định định kỳ theo quy định hiện hành và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố.

“Tại sao bắt chúng tôi vất vả 6 tháng trời rồi lại yêu cầu chúng tôi tự chịu trách nhiệm. Vậy việc xác nhận của Bộ Y tế có ý nghĩa gì?”, luật sư Hân không thể kiểm chế nổi nỗi bức xúc. Trong danh mục những yêu cầu không phù hợp, ngoài luật trong xét duyệt xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do các hiệp hội DN tổng hợp, gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hàng loạt yêu cầu mà DN cho là không thể tuân thủ, không biết tuân thủ thế nào...

Tại sao bắt chúng tôi vất vả 6 tháng trời rồi lại yêu cầu chúng tôi tự chịu trách nhiệm. Vậy việc xác nhận của Bộ Y tế có ý nghĩa gì?”

DN nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm cả phê bột hòa tan, nhưng lại nhận được yêu cầu bổ sung hàm lượng chất xơ, trong khi khái niệm cà phê bột đang được sử dụng ở châu Âu, Singapore là chỉ có độ ẩm và cafein, không có chất xơ. Có DN nhận yêu cầu nộp bổ sung chữ ký gốc con dấu nhà sản xuất vào hồ sơ hay yêu cầu yêu cầu nộp bản gốc chứng chỉ phòng kiểm nghiệm ISO 17025, chứng chỉ ISO 22000.

“Chúng tôi đành phải năn nỉ phòng kiểm nghiệm nước ngoài gửi giấy tờ gốc sang để đi công chứng ở Việt Nam, gửi hồ sơ ra nước ngoài để xin chữ ký tươi, tốn kém thời gian và tiền bạc trong khi các yêu cầu này không có trong luật”, DN gửi vấn đề tới Phó Thủ tướng...

Vấn đề nằm ở chỗ, chi phí thời gian và tiền bạc mà DN phải bỏ ra để tuân thủ sẽ không có điểm dừng, khi mà các yêu cầu được đưa ra khác nhau từ các cán bộ tiếp nhận hồ sơ khác nhau. Trong trường hợp của DN làm hồ sơ cho cà phê hòa tan, cách xử lý mà DN buộc phải làm là rút hồ sơ và tìm nộp vào người thụ lý khác...

Tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, thủ tục này đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của DN, DN phải chờ đợi 5,4 triệu ngày làm việc/năm để nhận kết quả, kể từ năm 2012, thời điểm hiệu lực của Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm.

Những lời hứa

Trong cuộc đối thoại trên, DN tiếp tục có thểm một lời hứa từ Bộ Y tế. “Về cơ bản xin tiếp thu các ý kiến của DN. Nguyên tắc là nếu đã thực hiện quy trình công bố thì DN chỉ cần nộp cho cơ quan quản lý nhà nước 1 bản công bố, trong vòng 7 ngày mà không có ý kiến phản hồi từ cơ quan nhà nước thì DN được quyền sản xuất hoặc nhập khẩu.

Sẽ có nhóm phải tiến hành thẩm định trước khi cấp xác nhận, nhưng chắc chắn là không nhiều”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cam kết một lần nữa. Thậm chí, nhóm sẽ phải thẩm định đã được đề xuất gồm sữa trẻ em, phụ gia thực phẩm và thực phẩm chức năng.

Đến tận thời điểm giữa tháng 9/2017, DN vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu tích cực nào trong bản dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP

“Chúng tôi sẽ phân định rõ ràng và rất mong có ý kiến tham gia của các DN”, ông Cường nói. Nhưng, cũng vì thêm một lần hứa, nên sự háo hức với các cam kết có vẻ có tính khả thi cao từ phía Bộ Y tế không quá nóng. Câu nói mà nhiều DN trao đổi sau cuộc đối thoại là “đợi xem việc thực thi thế nào”. Không phải vô cớ có sự hoài nghi này.

Đáng ra không cần có những cuộc đối thoại này nếu như cam kết của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong cuộc đối thoại tương tự, được tổ chức vào tháng 5/2017 được thực hiện. Khi đó, Thứ trưởng Trương Quốc Cường thừa nhận kiến nghị bỏ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP là hợp lý, vì Luật An toàn thực phẩm chi yêu cầu công bố hợp quy. Bộ Y tế cũng đã xin phép gia hạn thời gian trình của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/NĐ-CP thêm 3 tháng để hoàn tất các ý kiến theo kiến nghị của DN.

Vào tháng 7/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đảm đã có chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu theo hướng chuyển sang hậu kiểm, thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nhưng, đến tận thời điểm giữa tháng 9/2017, DN vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu tích cực nào trong bản dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Lý giải, phía Bộ Y tế cho rằng, DN sai phạm nhiều như sản phẩm thực phẩm gà nhưng thành phần không có gà, hay nếu không kiểm soát, nhãn sản phẩm quảng cáo hình em bé thì sao...

Thậm chí, quan điểm phải tiền kiểm do ý thức tuân thủ của người dân, DN còn chưa tốt khá đậm nét... “Dù sao, chúng tôi đã gửi kiến nghị, đã có các phương án cụ thể và sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận chi tiết”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP chia sẻ quan điểm.

Có thể bạn quan tâm