Doanh nghiệp lại kêu khó với những quy định mới

Quản lý hành chính nhà nước hiệu quả mà vừa tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp vẫn luôn là một đề tài nóng. Khi những quy định mới nhằm siết chặt quản lý ra đời thì doanh nghiệp lại kêu khó.
Doanh nghiệp lại kêu khó với những quy định mới

Gần đây nhất, câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu và ngành sản xuất lắp ráp ôtô liên quan đến quy định điều kiện về sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô một lần nữa lại đặt ra vấn đề cần xem xét lại các quy định về điều kiện kinh doanh, một mặt đảm bảo quản lý nhà nước song cũng cần tránh làm khó cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, những quy định bất cập tại nghị định 116/2017/NĐ-CP ban hành gần đây cho thấy, việc yêu cầu các DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài có thể gây khó khăn lớn cho hoạt động của các DN ôtô.

“Đa số các DN ôtô đều phản ánh không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe nhập khẩu vào Việt Nam theo như mô tả tại Nghị định 116”, đại diện Nhóm Công tác ôtô và xe máy dẫn chứng.

Theo đại diện này, Chính phủ mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ôtô tiêu thụ trong nước, còn các xe ôtô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này. Lý do là vì, các xe ôtô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng nước nhập khẩu, do đó sẽ luôn có sự khác biệt nhất định giữa thông số kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, đại diện VAMA cũng nhấn mạnh, rất khó cho DN có thể tuân thủ được yêu cầu thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu.

“Quy định này sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho DN bởi cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lặp lại nhiều lần về tiêu chuẩn khí thải và an toàn theo từng lô hàng, ước tính chi phí có thể tăng lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô”, đại diện VAMA cho biết.

Theo đại diện Nhóm Công tác ôtô xe máy, hoạt động nhập khẩu và kinh doanh ôtô nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà với cách quy định đẩy khó về phía DN của cơ quan quản lý nhà nước khiến các DN “hết cửa” làm ăn vì những bất cập và sự khắt khe không phù hợp thực tiễn của các quy định quản lý.

Câu chuyện của các doanh nghiệp ôtô một lần nữa đặt ra vấn đề cần xem xét về sự bất cập của các điều kiện kinh doanh và ảnh hưởng của chúng tới hoạt động của các DN. Báo cáo về kết quả rà soát mới nhất đối với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 vừa qua đã cho thấy một thực trạng khá nhức nhối.

Đó là vẫn còn tới 16 ngành nghề được xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa phù hợp như hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, xuất khẩu gạo, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng xe ôtô… Trong đó, có tới 10 ngành nghề kinh doanh thuộc phạm vi kiểm soát của một số bộ, ngành hiện đang quản lý nhiều ngành nghề nhất như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.

Trước “mê trận” điều kiện kinh doanh đang gây khó cho DN, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc đề xuất đơn giản hoá điều kiện kinh doanh. Đơn cử, để đơn giản hoá kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ xem xét chuyển một ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vận chuyển hàng nguy hiểm (các chất độc hại, các chất lây nhiễm) với 22 điều kiện đầu tư kinh doanh về một bộ quản lý chuyên ngành để giảm bớt đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thay vì nhiều bộ, ngành quản lý như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ này còn đề xuất bãi bỏ 36 điều kiện và sửa đổi 15 điều kiện đầu tư kinh doanh tại 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chiếm gần 45% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi hơn 100 điều kiện, chiếm hơn 30%.

“Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chúng tôi đề xuất cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cũng như các quy định về kiểm tra chuyên ngành, trước hết tập trung thúc đẩy cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho DN”, đại diện VCCI kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm