Doanh nghiệp lớn “hâm nóng” IPO, hút vốn nghìn tỷ

Trong nửa cuối năm 2016, thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều đợt IPO cổ phiếu của các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn. Với những quy định “dễ thở” hơn cho doanh nghiệp lên sàn, kỳ vọng cổ phiếu
Doanh nghiệp lớn “hâm nóng” IPO, hút vốn nghìn tỷ

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu ngành như nông nghiệp, xây dựng, dệt may, dược phẩm, sắt thép, than… vẫn là tâm điểm chờ đợi cuả nhà đầu tư chứng khoán.

Sau khi cổ phần hoá (CPH) được đẩy mạnh, năm 2016, các “ông lớn” DNNN sẽ dồn dập bán đấu giá cổ phần, thoái vốn nhà nước để tăng huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển DN hiệu quả hơn.

Khi “ông lớn” lên sàn

Ngày 22/6, phiên IPO cổ phần lần đầu của công ty mẹ – Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) đã bán hết toàn bộ gần 42,56 triệu cổ phần (chiếm 18% vốn điều lệ). Đây là phiên đấu giá thu hút đông đảo nhà đầu tư tham giá với 175 nhà đầu tư, gồm 5 tổ chức và 170 cá nhân.

Với mức giá khởi điểm thấp 10.000 đồng/CP, các nhà đầu tư đã đăng ký mua vượt số lượng chào bán, lên tới 61 triệu cổ phần. Kết quả, 175 nhà đầu tư đã trúng đấu giá cổ phần Vinapharm, giá trúng bình quân là 10.433 đồng/CP, đem về cho tổng công ty này gần 444 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới đầu tư, phiên IPO của Vinapharm đã thành công ở góc độ bán hết 100% số lượng cổ phần, song mức giá trúng đấu giá lại không cao như kỳ vọng. Trong phiên, đã có nhà đầu tư mạnh tay trả giá tới 16.500 đồng/CP nhưng chỉ đặt mua 50.000 cổ phần. Có nhà đầu tư đặt mua hơn 42 triệu cổ phần lại chỉ đấu giá ở mức khởi điểm 10.000 đồng/CP.

Do đó, phần thặng dư cổ phần thu được rất thấp, chỉ là hơn 433 đồng mỗi cổ phần, tức Vinapharm chỉ có thặng dư 18,43 tỷ đồng sau phiên IPO rất “đắt hàng” này.

Được biết, Vinapharm là DNNN hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con căn cứ Quyết định số 2335/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 30/6/2010 về việc chuyển Tổng công ty Dược Việt Nam thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Hiện, Vinapharm phát triển tốt ở các mảng dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược…

Giai đoạn 2013- 2015, Vinapharm có tăng trưởng mạnh ở các sản phẩm dược mỹ phẩm và thiết bị y tế, giúp tăng nhanh doanh thu thuần, cụ thể đạt lần lượt 117 tỷ đồng, 139,7 tỷ đồng và 204 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong ba năm lần lượt đạt 80,7 tỷ đồng, 136 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, sau khi IPO, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu từ 258 tỷ đồng đến 1.559 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế lại rất khiêm tốn, ở mức 41,2 tỷ đồng đến 115.7 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức 2-4%, mức rất thấp.

Vinapharm được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao sau khi IPO khi xét trên các tiêu chí như: quy mô vốn, lợi thế kinh doanh, tiềm lực tài chính, triển vọng tăng trưởng doanh thu cao. Nhưng kế hoạch lợi nhuận và cổ tức quá thấp có lẽ là yếu tố khiến nhà đầu tư lăn tăn, chỉ đặt giá thấp cho cổ phần ở phiên IPO.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX), quý I/2016, HNX đã tổ chức 16 phiên đấu giá cho thấy hoạt động mức độ rốt ráo, quyết liệt đưa cổ phiếu lên sàn của DNNN. Trong đó, 11/16 phiên đấu giá bán hết 100% lượng cổ phần chào bán (173,3 triệu cổ phần), bán được 147,7 triệu đơn vị. Tổng giá trị cổ phần thu đạt 2.019 tỷ đồng, tăng 27,5% so với quý I/2015.

Đáng chú ý, sau thời gian dài ì ạch, chậm CPH, đến nay đã có những phiên đấu giá của các tổng công ty, DNNN lớn. Quý I có 4 phiên đấu giá IPO của DNNN và hai phiên thoái vốn Nhà nước và đều bán hết 100% lượng chào bán.

Bán hết hay bán có lời?

Nửa cuối năm 2016, thị trường sẽ đón nhận thêm cổ phiếu của một số DNNN lớn chào bán đấu giá IPO lần đầu với tiềm năng tăng trưởng tốt, hứa hẹn tạo “sóng” khi niêm yết trên cả hai sàn HNX và HSX.

Ngày 19/7 tới, công ty mẹ – Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam), chào bán 6,35 triệu cổ phần (28,87% vốn). Mới mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/CP. Công ty này có vốn điều lệ 220 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Theo phương án CPH, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn, tổ chức công đoàn và người lao động chỉ nắm 1,13%. Còn tới 98,87% sẽ được bán cho nhà đầu tư bên ngoài, gồm 70% cổ phần sẽ bán gọn cho nhà đầu tư chiến lược, và bán 28,87% qua đấu giá công khai.

Vigecam cho biết đã chọn được hai công ty đáp ứng các tiêu chí của NĐT chiến lược là Tổng công ty rau quả, nông sản- CTCP Vegetexco đăng ký mua 45% vốn điều lệ, công ty CP bảo hiểm hàng không (VNAinsurance) đăng ký mua 25% vốn. Cổ phần chiến lược sẽ được bán thoả thuận cho NĐT ngay sau phiên IPO tới đây.

Được biết, Vegetexco là công ty mà ông Bùi Quang Hiển – Chủ tịch T&T Group – cũng vừa thâu tóm xong, thông qua sở hữu cổ đông chiến lược do T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội nắm 50% vốn điều lệ. Việc mua Vegetexco hay Vigecam được cho là nhắm tới quỹ đất đai rộng lớn mà DNNN đang sở hữu, quản lý khai thác…

Do đó, những phiên IPO của các DNNN có quỹ đất vàng rộng lớn thường trong tình trạng “cháy hàng”, hấp dẫn các DN bất động sản tham gia mua gom cổ phần hoặc NĐT chiến lược. Song, giá cổ phần IPO lại rất thấp khiến cho mức giá bán thoả thuận đối với NĐT chiến lược khó có thể cao hơn.

Phải chăng đã có những thoả thuận “dìm giá” cổ phần trước IPO để giúp NĐT chiến lược mua được cổ phần DNNN với giá bèo?

Thu Hằng

Thời báo Kinh Doanh 

Có thể bạn quan tâm