Doanh nghiệp “mừng thầm” vì cơ chế bù trừ lỗ lãi hai chiều

Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế bù trừ lỗ - lãi hai chiều cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thay vì chỉ bù trừ một chiều như hiện tại. Đề nghị này được cho là sẽ giúp san sẻ lợi nhuận từ
Doanh nghiệp “mừng thầm” vì cơ chế bù trừ lỗ lãi hai chiều

Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế bù trừ lỗ - lãi hai chiều cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thay vì chỉ bù trừ một chiều như hiện tại. Đề nghị này được cho là sẽ giúp san sẻ lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh, giảm bớt gánh nặng khó khăn do một số lĩnh vực bị thua lỗ. Theo Bộ Tài chính, cơ chế bù trừ hai chiều là cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi chuyển nhượng từ bất động sản sang lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở chiều ngược lại, hiện doanh nghiệp đang chỉ được áp dụng cơ chế bù trừ lãi từ hoạt động kinh doanh sẽ được bù lỗ cho hoạt động bất động sản. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2016 chiều hôm qua, ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải thích rõ hơn về đề xuất xin thêm cơ chế bù trừ hai chiều. Trước đây doanh nghiệp được phép bù trừ một chiều là “lãi từ kinh doanh được bù trừ với lỗ từ bất động sản”, còn lãi từ bất động sản phải nộp thuế, không được bù trừ với lỗ từ hoạt động kinh doanh. Với cơ chế bù trừ lỗ / lãi hai chiều mà Bộ Tài chính đề xuất, các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành về bất động sản sẽ được hưởng lợi lớn. “Hiện nay, nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đơn cử Vingroup và Hoà Phát chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là tín hiệu tốt. Nhưng nông nghiệp gồm trồng trọt và chăn nuôi lại có rủi ro rất lớn từ yếu tố bệnh dịch, thiên tai… Và hiện chúng ta đang khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, do đó, Bộ Tài chính đề xuất đưa nội dung bù trừ thanh toán 2 chiều khi sửa đổi Luật Thu nhập doanh nghiệp”- Ông Thi lý giải. Trao đổi với tạp chí Thương Gia, lãnh đạo một công ty đầu tư đa ngành về xuất nhập khẩu, bất động sản, giấy… bày tỏ sự đồng tình với đề xuất cơ chế bù trừ lỗ - lãi hai chiều của Bộ Tài chính. “Cơ chế bù trừ hai chiều này sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đa ngành khi lợi nhuận được san sẻ, bù đắp cho các mảng bị thua lỗ”- Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, cho rằng, cơ chế tài chính này là sự hỗ trợ có tính thời điểm, cần thiết vào thời điểm các doanh nghiệp còn khó khăn, một số mảng kinh doanh bị thua lỗ do ảnh hưởng thị trường suy thoái… Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về điều kiện bù trừ lỗ - lãi, thời gian áp dụng cũng như giám sát việc hạch toán tài chính… để tránh doanh nghiệp trục lợi chính sách. Ngoài sự hỗ trợ này, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất cơ chế ưu đãi giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì hiện nay, làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút sự quan tâm, nguồn lực từ các quỹ đầu tư rất lớn song lại chưa có sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách. Đại diện Bộ Tài chính cho hay, ngày 4/10 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Chính phủ họp bàn về nội dung này. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ giao cho bộ ngành nghiên cứu, xác định tiêu chí của doanh nghiệp khởi nghiệp để có cơ chế ưu đãi thuế TNDN phù hợp, đúng đối tượng. Đánh giá về tác động của chính sách ưu đãi thuế, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có đánh giá cụ thể về tác động của từng phương án trên cơ sở phân loại doanh nghiệp cụ thể, như doanh nghiệp nhỏ có quy mô doanh thu dưới 20 tỷ đồng, hay dưới 50 tỷ đồng.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm