Doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro về tỷ giá!

Tỷ giá tăng vào cuối năm mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Quy luật này doanh nghiệp đã nắm rõ, nhưng điều quan trọng là cần phải chủ động phòng ngừa rủi ro này.
Doanh nghiệp nên chủ động phòng ngừa rủi ro về tỷ giá!
Đồng bạc xanh vẫn còn khả năng tăng nhờ kỳ vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực dưới thời Tổng thống Trump
Trong tháng cuối năm 2016, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh. Diễn biến này không chỉ mang yếu tố mùa vụ, khi nhu cầu thanh toán ngoại tệ về cuối năm tăng cao, mà còn chịu tác động từ quyết định nâng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Với dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Mỹ, đồng USD có thể tiếp tục tăng giá trong năm 2017, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Áp lực tỷ giá là rõ nét

Sau khi tăng lãi suất cơ bản USD thêm 25 điểm phần trăm cuối năm 2016, Fed cũng phát đi tín hiệu sẽ đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất trong năm 2017.

Chính sách lãi suất của Fed đã tác động đến diễn biến tỷ giá USD/VND ngay lập tức. Với biên độ +/-3% của tỷ giá trung tâm đang được áp dụng trong ngày, tỷ giá USD/VND đã được các ngân hàng tăng sát mức trần tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trong ngày ở mức 22.799 đồng/USD. Giá đồng bạc xanh sau đó duy trì xu hướng tăng, nhưng với việc nhiều nhà đầu tư đóng trạng thái trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, tỷ giá USD/VND ít biến động.

Tỷ giá USD/VND không chỉ chịu tác động từ chính sách lãi suất của Fed, mà từ nhiều yếu tố khác. Trước hết là do yếu tố mùa vụ, nhu cầu thanh toán ngoại tệ của các doanh nghiệp, cá nhân tăng cao. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như xuất hiện những lo ngại về việc Chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thực tế, ít nhất cho đến khi người ta thấy được khả năng thật sự của ông Trump trong việc điều hành Nhà Trắng thì giá đồng bạc xanh vẫn còn khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng.

Giới phân tích dự đoán có thể ông Trump sẽ nới lỏng chính sách tài khóa, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chính sách bảo hộ thương mại và bảo hộ doanh nghiệp Mỹ nhiều hơn. Kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn dưới thời của tân Tổng thống và điều này sẽ tác động tích cực đến giá USD. 

Bên cạnh đó, các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump được cho rằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát, khiến lãi suất tăng nhanh trong tương lai. Đây sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh cho đồng USD trong thời gian tới, tạo áp lực đối với tỷ giá tiền đồng.

Tuy nhiên, một yếu tố tích cực với tỷ giá USD/VND là dự trữ ngoại hối đang cao mức kỷ lục, hiện NHNN đã dự trữ trên 40 tỷ USD. Nói cách khác, áp lực tỷ giá tăng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là có, nhưng trong tầm kiểm soát. Cầu về ngoại tệ trong giai đoạn cuối năm có do nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp tăng. Nhưng tình trạng đầu cơ, găm ngoại tệ đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. NHNN cũng đã đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ ra để điều tiết thị trường và cho biết suốt từ đầu năm đến nay số ngoại tệ mua được khoảng hơn 6 tỷ USD, đủ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho cả năm.

Hơn nữa, lượng kiều hối cuối năm, nhất là dịp Tết vẫn tiếp tục đổ về và cho đến giờ này, khả năng thiếu hụt USD là chưa đáng ngại. Vì vậy, thời điểm này chưa phải là lúc đặt vấn đề có nên phá giá VND hay không.

Cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Tỷ giá tăng vào cuối năm mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Quy luật này doanh nghiệp đã nắm rõ, nhưng điều quan trọng là cần phải chủ động phòng ngừa rủi ro này.

Theo cách thông thường, doanh nghiệp có thể ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau (future contract), hay nói cách khác đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá. Cụ thể, để phòng những biến động của tỷ giá nếu có vào cuối năm thì giữa năm hay từ tháng 8 trở đi, họ đã mua tỷ giá trong tương lai.

Với việc mua giá ngoại tệ trong tương lai, có thể doanh nghiệp phải chịu giá cao hơn giá hiện tại, nhưng lại đảm bảo được sự ổn định của tỷ giá dựa trên kế hoạch tài chính của mình. Nghĩa là dù tỷ giá trong những tháng cuối năm có tăng vọt thì họ vẫn chỉ phải trả với mức giá đã mua trước đó.

Còn với người dân, nếu trong ngắn hạn có nhu cầu cho con đi du học, khám chữa bệnh tại nước ngoài… thì có thể giữ ngoại tệ, còn không nên bán ngoại tệ lấy VND gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn. Chẳng hạn, nếu gửi 2 tỷ đồng ở ngân hàng bằng VND thì mỗi tháng khách hàng nhận được hơn 10 triệu đồng/tháng và tính cho cả năm là khoảng 130 triệu/năm. Trong khi đó giữ USD từ đầu năm đến giờ bán chỉ lời được vài chục triệu nhờ những ngày qua giá ngoại tệ tăng.

Yếu tố tâm lý như lời đồn về đổi tiền khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, NHNN đã phát đi thông điệp về việc sẽ bán ngoại tệ và đảm bảo nhu cầu chính đáng của cá nhân và DN. Hiện tại, NHNN đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, do đó tôi không kỳ vọng khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian tới.

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm