Doanh nghiệp Việt rất muốn lớn mạnh

Doanh nghiệp tư nhân rất cần môi trường để lớn mạnh, hiệu quả và quan trọng, để thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt rất muốn lớn mạnh

Cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ với một số tập đoàn kinh tế tư nhân cuối tuần trước đã kéo dài từ sáng tới quá trưa. Chủ tịch, tổng giám đốc hơn chục tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có mặt chắc hẳn không bỏ lỡ cơ hội để trả lời câu hỏi mà người đứng đầu Chính phủ trăn trở trong lời mở đầu: “Nhà nước phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển tốt”. Họ cũng đang rất trông đợi vào các câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước cho câu hỏi này.

Những doanh nhân có mặt tại cuộc đối thoại này đều đang sở hữu, điều hành những tập đoàn, doanh nghiệp quy mô thuộc diện lớn nhất Việt Nam, có thương hiệu được ghi nhận, đang trong nhóm dẫn đầu nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Đó là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BGR; bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH TrueMilk; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air; ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco; ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công; ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji…

Nhưng, họ vẫn là thiểu số trong gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, so với tỷ lệ 96% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nền kinh tế Việt Nam. Đáng nói hơn, số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong nhiều năm nay không thay đổi, vẫn chỉ chiếm khoảng 2%.

Đặc biệt, cho dù khu vực kinh tế tư đang đóng góp khoảng 43% trong tăng trưởng GDP của nền kinh tế, thì 31% thuộc về hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 7-8%/GDP tính từ năm 2010 trở lại đây.

Thực tế này không tương xứng với nền kinh tế Việt Nam với quy mô thị trường cũng như sức hấp dẫn của nền kinh tế đang mở cửa hội nhập. Ngay trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, năng lực cạnh tranh Việt Nam vừa thăng 5 hạng, đứng ở vị trí 55/137, phần lớn dựa vào các yếu tố này.

Hơn thế, nền kinh tế Việt Nam rất cần thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, để khu vực lớn hơn, thay thế dần khu vực hộ kinh doanh, khu vực phi chính thức và cũng là để thay dần khu vực doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước rút chân ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cần sự có mặt của mình.

Khi các doanh nghiệp tư nhân an tâm lớn mạnh, đầu tư vào nghiên cứu - phát triển, họ sẽ thỏa sức sáng tạo, mở cửa các cơ hội đầu tư mới, sẽ trở thành đầu tàu các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, dẫn dắt khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đây chính là các điều kiện nền tảng cho sự phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp tư nhân, cũng là sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân thực sự có là động lực quan trong của nền kinh tế hay không cũng bắt đầu từ các điều kiện nền tảng này.

Nhưng, như các doanh nghiệp đang nói, gốc vấn đề là thể chế, như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định đó là hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường nhân tố sản xuất, như thị trường tài chính, thị trường công nghệ, lao động, thị trường thứ cấp, sơ cấp quyền sử dụng đất… Cùng với đó là cơ chế để thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, dễ tiên liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, khuyến khích doanh nghiệp làm lớn...

Đây là điều mà các doanh nhân, doanh nghiệp chỉ có thể kiến nghị, đề đạt và kỳ vọng.

baodautu.vn/doanh-nghiep-viet-rat-muon-lon-manh-d7 http://baodautu.vn/doanh-nghiep-viet-rat-muon-lon-manh-d70405.html

Có thể bạn quan tâm