Doanh nhân "lừng lẫy một thời" Phillip Green mất quyền điều hành: Sự lụi tàn của một đế chế?

Với việc tập đoàn thời trang Arcadia bị đặt vào tình trạng giám sát, dường như doanh nhân Phillip Green sẽ phải chấp nhận một kết cục cay đắng dù tạo dựng được một sự nghiệp đáng chú ý nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Doanh nhân "lừng lẫy một thời" Phillip Green mất quyền điều hành: Sự lụi tàn của một đế chế?

Từng là “ông vua phố lớn” nhưng Phillip Green đang phải đối mặt với nguy cơ phải sa thải khoảng 13.000 nhân viên cùng khoản lỗ ước tính lên tới 350 triệu bảng Anh vì phải trích quỹ lương hưu của công ty.

Nhà tài phiệt người Anh Phillip Green có thể sẽ mắc kẹt với một biệt danh không thể đáng xấu hổ hơn: “Bộ mặt không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tư bản”. 

Trong suốt 2 thập kỷ, người đàn ông 68 tuổi này luôn thống trị thị trường bán lẻ Anh và dường như chưa bao giờ chệch hướng, gây dựng thành công khối tài sản lên đến hàng tỷ bảng Anh thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. 

Bản thân Phillip Green cũng được chính Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ, được các Thủ tướng Tony Blair và David Cameron đón tiếp rất nồng nhiệt và sánh vai cùng những ngôi sao hạng A như siêu mẫu Kate Moss và diễn viên Sylvester Stallone. 

Di chuyển thường xuyên giữa Anh và Monaco - quê hương của giới siêu giàu, Phillip Green luôn được cánh paparazzi săn đón - kể cả khi ông nghỉ ngơi trên chiếc siêu du thuyền Lionheart 100 triệu bảng hay mời Beyonce biểu diễn trong tiệc bar mitzvah của con trai. 

Không ít người phải thừa nhận, Phillip Green đã từng đứng trên đỉnh vinh quang tột đỉnh của sự thành công và danh vọng. 

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, Phillip Green để lại ấn tượng trên thị trường M&A với việc mua chuỗi cửa hàng bách hoá BHS với giá 200 triệu bảng Anh vào cuối năm 2000 và sau đó chỉ 2 năm là Arcadia với giá 850 triệu bảng Anh. Ông cũng từng cố gắng mua  Mark&Spencer đến 2 lần nhưng đều thất bại. 

Thương hiệu thời trang dành giới trẻ đầu tiên của Arcadia - Topshop - từnglà điểm đến vô cùng được yêu thích bởi các thanh thiếu niên và những người yêu thích thời trang. Năm 2009, ông đã đưa thương hiệu này sang Mỹ và mở một cửa hàng flagship rất lớn tại New York, chính thức đưa Topshop thành một thương hiệu toàn cầu với chuỗi cửa hàng tại hàng chục quốc gia.

Khi bán 25% cổ phần của Topshop cho Công ty CP tư nhân Hoa Kỳ Leonard Green & Partners vào năm 2012, chỉ riêng giá trị thương hiệu đã được định giá 2 tỷ bảng Anh. Đây là một minh chứng tiếp tục củng cố cho vị thế của “ông vua phố lớn” Phillip Green.

Cú trượt dài mang tên "sai lầm"

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của doanh nhân này lại được nối dài bằng hàng loạt những sai lầm trong kinh doanh khiến đế chế kinh doanh lừng lẫy một thời phá sản, đồng thời ảnh hưởng trầm trọng đến danh tiếng của doanh nhân - từng có - hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. 

Dù có vai trò là chủ của một nhà bán lẻ truyền thống nhưng vị doanh nhân này đã không kịp thích ứng với những thay đổi chóng mặt của thị trường bán lẻ khi các đối thủ cạnh tranh xuất hiện và đưa ra những phương thức bán hàng mới. 

Topshop nói riêng và Arcadia nói chung đã bị các đối thủ mới như Zara - Inditex, H&M và Primark chiếm thị phần; trong khi việc phát triển thương mại điện tử lại không thể vượt qua được những “chuyên gia trẻ tuổi” như ASOS và Boohoo. 

Và như một lẽ dĩ nhiên, Topshop không còn được ưu chuộng như xưa. Tuy nhiên, cú đánh mạnh nhất khiến danh tiếng của Phillip Green lao dốc phải kể đến sự kiện vào năm 2015 khi ông bán BHS cho một tập hợp các nhà đầu tư ít tên tuổi, bao gồm cả Dominic Chappell - người từng có "vết nhơ" phá sản với số tiền trên danh nghĩa là... 01 bảng Anh. Chỉ vỏn vẹn một năm sau, BHS ngừng hoạt động, khiến 11.000 việc làm bị mất và để lại khoản lỗ 571 triệu bảng Anh trong quỹ lương hưu. 

Nước Anh “quay lưng” 

Sau sự sụp đổ của BHS, mọi thứ đều thay đổi. Các nhà chính sách coi Phillip Green là “bộ mặt không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tư bản”, nói rằng lòng tham và việc ông coi thường quản trị công ty đã dẫn đến ngày tàn của tập đoàn. 

Họ yêu cầu tước bỏ danh hiệu hiệp sĩ, trong khi báo chí và truyền thông thì trêu đùa và chế nhạo ông là “một ông trùm béo ỉn”. 

Sau khi bị cơ quan quản lý lương hưu theo sát, Phillip Green đã buộc phải ký một tấm séc 363 triệu bảng vào năm 2017 để giúp lấp lỗ quỹ lương hưu BHS. 

Nhưng danh tiếng của vị doanh nhân này đã bị tổn hại tới mức không thể cứu vớt nổi và ngày càng bị hoen ố. Ông bị nêu tên trong buổi họp quốc hội Anh do đã thực hiện nhiều động thái để cố gắng ngăn chặn các tin tức về việc quấy rối tình dục tại Arcadia. Mặc dù vậy, Phillip Green liên tục phủ nhận cáo buộc. 

Trong thời gian đó, hoạt động kinh doanh của Arcadia liên tục đi xuống. Không ai ngờ, đây là công ty chủ quản sở hữu các thương hiệu có tiếng một thời như Topshop, Topman, Dorothy Perkins, Wallis, Miss Selfridge, Evans, Burton và Outfit với hệ thống hơn 500 cửa hàng. 

Một cuộc tái cấu trúc đã diễn ra vào năm 2019 nhưng thực chất chỉ là một "sự chấp vá" mang tính tạm thời. Và đại dịch Covid-19 dường như là “giọt nước tràn ly" khiến Arcadia đã rơi vào tình cảnh "go into administration” (các cửa hàng kinh doanh thua lỗ, sẽ phải vay mượn để duy trì hoạt động_PV). Khi không thể hoàn trả nợ hay không thể vay được nữa, sẽ có một đội đặc biệt tiếp quản hệ thống cửa hàng với nhiệm vụ chính là cứu công ty thoát khỏi cảnh phá sản. 

Sự thất bại trong điều hành doanh nghiệp là một đòn cay đắng đối với Phillip Green, người lâu nay luôn tự hào về sự nhạy bén trong tài chính của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012, vị doanh nhân này đã từng rút ra một tờ 50 bảng Anh và thẳng thắn nói: “Tôi thích nói về những điều mình hiểu. Như tiền chẳng hạn.”

Nguồn: Reuters

Có thể bạn quan tâm