Doanh nhân Nguyễn Xuân Dương “Không tự cứu mình thì đừng mong trời cứu!”

Chọn cách lùi xa một bước với hoạt động kinh doanh hàng ngày, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên đang muốn làm được cái gì đó nhiều hơn cho các doanh nghiệp. “Là doanh nghi
Doanh nhân Nguyễn Xuân Dương  “Không tự cứu mình thì đừng mong trời cứu!”

Chọn cách lùi xa một bước với hoạt động kinh doanh hàng ngày, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên đang muốn làm được cái gì đó nhiều hơn cho các doanh nghiệp. “Là doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi thấy ngượng khi kinh tế Việt Nam vẫn ở tốp cuối của ASEAN, doanh nghiệp Việt vẫn còn quá nhỏ…”, ông Dương chia sẻ. Sòng phẳng là cách duy nhất để lớn lên Hơn ba thập kỷ gắn bó với nghề may, ông Dương đã trải qua gần như đủ mọi thang bậc thăng trầm của ngành. Nên đứng trước cơ hội đang được cho là vô cùng lớn của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Dương cũng không quá phấn khích. “Dệt may là một trong những ngành đối mặt với cạnh tranh sớm và sòng phẳng nhất, nhất là khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA), sau đó là tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ đó, các doanh nghiệp ngành may gần như không có chữ bao cấp trong đầu. Nhưng, cũng chính vì thế mà các doanh nghiệp may mạnh mẽ hơn, luôn trong tâm thế đón đầu cơ hội”, ông Dương nói. Với TPP cũng vậy. Mọi việc đều được chuẩn bị ngay khi TPP còn đang trên bàn đàm phán. Tổng công ty may Hưng Yên mấy năm qua đã mở rộng sản xuất khá nhiều. Đầu năm 2016, May Hưng Yên đã đầu tư thêm một nhà máy tại Thái Bình, đưa tổng số nhà máy trong Tổng công ty lên con số 13. Cuối năm nay, có thể sẽ có thêm nhà máy thứ 14, cũng tại Thái Bình. “Đây là ngành cần nhiều lao động, nên chúng tôi chọn các địa bàn có nguồn lao động dồi dào như Thái Bình, Hưng Yên. Nhưng cũng không còn nhiều thời gian để thâm dụng lao động nữa. Chỉ khoảng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ đi qua giai đoạn dân số vàng. Chúng tôi sẽ phải chuẩn bị cho bước đi xa hơn, bằng các kế hoạch cải thiện năng suất lao động, tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm bằng công nghệ, chất lượng lao động”, ông Dương nói. Năm 2015, May Hưng Yên xuất khẩu khoảng 300 triệu USD. Ông Dương kỳ vọng sẽ tăng lên khoảng 500 triệu USD vào những năm tới. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khó khăn hiện nay, kế hoạch đó có khó khăn quá không, thưa ông?

Chúng tôi, tôi và những cộng sự của mình tại Tổng công ty, có quan điểm chung là: lấy người lao động làm mục tiêu cho các kế hoạch kinh doanh. Tổng công ty May Hưng Yên có một khẩu hiệu căng ngay ở cổng: Tiền lương và thu nhập của người lao động là thước đo năng lực của người quản lý. Khẩu hiểu này đã có được 6-7 năm rồi.

Có nghĩa là việc đạt được kế hoạch của Tổng công ty hay không phụ thuộc rất lớn vào việc người lao động của chúng tôi có thỏa mãn với những gì mà những người quản lý đem lại cho họ hay không.

Như tôi đã nói, vì ngành này cần đông lao động, nên mục tiêu trước hết là phục vụ ngươi lao động có việc làm. Nếu có hợp đồng, người lao động có việc, có thu nhập, từ đó họ mới làm tốt được, tạo ra được lơi nhuận cho công ty, cứ thế lan lên.

Chúng tôi muốn xác định trách nhiệm của những người quản lý phải đem lại đời sống cho người lao động. Nhưng, tất nhiên không có nghĩa là chúng tôi bỏ qua các trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, các khoản hỗ trợ nghĩa tình, một năm khoảng 1,5-2 tỷ đồng đươc trích từ quỹ phúc lợi…

Tổng công ty may Hưng Yên trở thành một tổng công ty mạnh của Tập đoạn Dệt may Việt Nam cũng nhờ chiến luật lan tỏa này. Hiện nay, nói về thu nhập bình quân, Tổng công ty may Hưng Yên có thể nói là một trong những tên tuổi dẫn đầu, với khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015. Có những  công ty đạt hơn 9,6 triệu đồng/người/tháng. Đây là con số rất ấn tượng khi tổng lao động động của Công ty năm 2015 là 14.000 lao động. Con số nộp ngân sách của May Hưng Yên cũng rất đáng kể. Năm ngoái, toàn Tổng công ty nộp gần 100 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó 25 tỷ đồng thuộc về Công ty mẹ. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, vốn gốc tăng 10 lần, từ 13,5 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng. Lợi tức mà các cổ đông nhận được cũng khoảng 20-30%/năm… Nhưng phải thẳng thắn, mọi cơ hội từ hội nhập, nhất là từ TPP vẫn đang ở phía trước. Hiện tại, ông có lo ngại gì không?

Lo nhiều nhất là con người và tư tưởng.

Về tư tưởng, chúng tôi đã xác định trong nội bộ của mình, đó là sẽ không ai cứu mình ngoài mình cả, không thể trông chờ vào ai ngoài năng lực của chính mình.

Nhưng, thực tế cho thấy, so với thế giới, doanh nghiệp Việt vẫn còn nhỏ lắm. Số doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán mới có 1 vài tên tuổi lẻ tẻ. Tôi nghĩ, phát triển sản xuất vẫn là con đường để cải thiện thứ hạng này.

Con đường phát triển để tạo việc làm cho người lao động vẫn là con đường phải đi. Như ông Lê Quý Đôn hai thế kỷ trước đã nói, phi công bất phú, không có việc làm thì không thể tồn tại được.

Con đường đi của ngành dệt may vẫn còn, còn phải đi, nhưng phải tăng được năng suất lao động, giá trị gia tăng. Nếu các doanh nghiệp nước khác làm 1 USD cho một chiếc sơ mi mà doanh nghiệp Việt Nam làm vẫn 1,5 USD thì không cạnh tranh được. Hội nhập là thế, cạnh tranh là thế, phải sòng phẳng.

Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Nhất cần (cần cù) thiên hạ không việc khó. Biết kiệm lo gì chẳng đủ xơi. Tâm đồng biết quên tư lợi. Biết đủ thì đời ắt thảnh thơi.

Đủ ỏ đây không chỉ là tiêu dùng đủ, lương đủ mà còn là đủ trách nhiệm với xã hội. Mình phải thấy ngượng khi đất nước còn nghèo. Đứng trong ASEAN mà mình đứng ở tốp cuối cũng phải biết xấu hổ.

Là doanh nhân Việt phải cảm nhận, phải suy nghĩ và hành động vì cái chung như vậy thì mới có thể lớn lên được.

Doanh nhân cũng phải lên tiếng Tất nhiên, ông Dương không kỳ vọng mọi sự sẽ chuyển biến nhanh, ít nhất cũng phải 2-3 năm nữa mới có những kết quả đầu tiên, nhưng đó là hành động ngay lúc này, ngay bây giờ. Được biết, từ năm 2014, ông đã rút lui khỏi vị trí điều hành, chỉ nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên. Ông muốn tập trung nhiều hơn cho vị trí Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. Khi đó, ông đã nói muốn nhiệt tâm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp mới để cùng cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. “Tôi đã nhiều lần chia sẻ với các doanh nghiệp hội viên rằng, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Cách tự cứu mình là liên kết lại, phải học hỏi để cải thiện năng lực cạnh tranh để cạnh tranh song phẳng”, ông nói Về việc học, ông Dương có lẽ cũng là người có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ. Ồng Dương kể, ông đến với nghề may cũng khá tình cờ. Ra quân vào năm 1976, ông đi học chế tạo máy tại Đại học cơ điện Bắc Thái. Năm 1981, ông ra trường rồi về đầu quân cho Công ty may Hưng Yên. “Nhưng phải đến khi lãnh đạo công ty nói với tôi rằng, mặc dù trải qua quân đội, học đại học, nhưng nếu vào công ty này mà không theo ngành thì phí. Ông ấy nói “phòng của công ty thì hẹp, mà gậy của cậu thì dài, nên cậu cố gắng đi  học thêm”. Tôi đã làm theo đúng vậy”, ông Dương kể. Ông Dương dành buổi tối đi học thêm về nghề may, ngành may. Sau đó, ông học tiếp về luật, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, học quản lý kinh tế. Sau 8 năm vất vả học hành, ông được bổ nhiệm phó giám đốc của Công ty may Hưng Yên. Rồi đến năm 2005, khi công ty hoàn tất cổ phần hóa, ông chính thức vào vị trí Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên. Hiện giờ, ông có thể làm được nhiều hơn cho các doanh nghiệp khác khi ở vị trí là chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hưng yên. Ông đang làm gì để thúc đẩy “sự nghiệp” học hành của các doanh nghiệp?

Thứ nhất, với vai trò của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, tôi muốn phát huy được nhiệt huyết của doanh nhân. Đó là cái gốc. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình, hãy trông ra thế giới, như gần nhất là bà Hilary Clionton 69 tuổi vẫn “xung phong” làm tổng thống, mà có người ở ta chưa đến 60 tuổi đã muốn nghỉ rồi. Như thế là không được. Doanh nhân là phải cống hiến, phải liên tục làm việc. Đầu tư – kinh doanh trước là để cho gia đình, rồi sau là xã hội. Có thể trên con đường đó có thể mất, có thể là 50-50 đi, nhưng quan trọng là nhiệt huyết cống hiến và trách nhiệm hết mình.

Hai là kiến thức. Qua kinh nghiệm của cá nhân tôi, kiến thức không bao giờ là đủ. Chúng tôi cũng đã tổ chức các khóa tập huấn phục vụ quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin… Doanh nghiệp hiện giờ phải sòng phẳng, không biết thì học, không làm được thì thuê tư vấn, muốn đi nhanh, đi tắt đón đầu thì phải bỏ tiền đầu tư, không thể xin ai được, không cổ gắng hô hào mà đi nhanh được.… Có như vậy mới kéo ngắn thòi gian tăng năng suất lao động được.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có những ý kiến phản biện, góp ý, tác động đến hoàn thiện thể chế, ở cả địa phương và trung ương. Chúng tôi muốn các lãnh đạo các cấp, các công chức hiểu rằng, chỉ có doanh nghiệp mới đem lại ngân sách. Hưng Yên khi tách tỉnh thu ngân sách 1 năm 80 tỷ đồng, hiện giờ là 8.000 tỷ đồng, vai trò của doanh nghiệp rất rõ. Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với hàng loạt chính sách cụ thể được ông Dương kỳ vọng sẽ thay đổi môi trường kinh doanh theo hướng thuận hơn cho doanh nghiệp, nhất là khi những nguyên tắc về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, không làm khó dễ cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính… Đặc biệt, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về sự thuận lợi của người dân, doanh nghiệp, sự liêm chính của Chính phủ cũng đang thúc đẩy nhiệt huyết của các doanh nghiệp, doanh nhân. Ông có tin sẽ có những thay đổi thực sự lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam sau khi có Nghị quyết 35? Câu hỏi vẫn là việc thực thi ở các cấp dưới thế nào. Ở Hưng Yên, có thể thấy nhiều tín hiệu tích cực. Đội ngũ lãnh đạo địa phương trẻ, tôi tin có nhiều nhiệt huyết với những yêu cầu mới của phát triển. Nhưng, vẫn cần có thời gian để nhìn thấy sự thay đổi, vì mọi hành động đều phải tuân thủ những quy trình nhất định. Nhưng cũng như doanh nhân, khi chúng tôi thấy không thể chậm trễ, không thể thay đổi, chúng tôi phải hành động. Chúng tôi cũng mong nhìn thấy các công chức, các cơ quan nhà nước các cấp cùng hành động.

Tuyết Ánh

Có thể bạn quan tâm