Động lực nào giúp các ngân hàng tăng trưởng kỳ cuối năm?

Trong bối cảnh dưa thừa vốn như hiện nay, phần lớn các ngân hàng buộc phải sớm có giải pháp khơi thông dòng vốn đang bị dồn ứ trong những tháng còn lại của năm 2020.
Động lực nào giúp các ngân hàng tăng trưởng kỳ cuối năm?

Được biết, trong những ngày gần đây nhiều ngân hàng đã có động thái tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thu hút doanh nghiệp vay vốn, nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng dư nợ khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều.

Áp lực cho vay

Thực tế từ đầu năm đến nay thị trường chứng kiến mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm sâu, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều, khi không ít ngân hàng muốn duy trì biên độ lãi suất cao để bù đắp những khoản nợ xấu tiềm ẩn, cũng như không mặn mà đẩy vốn ra khi rủi ro của nền kinh tế còn cao. Tuy nhiên, đợt giảm lần này cho thấy các nhà băng dường như đã “sốt ruột” hơn và đang có động lực đẩy vốn ra nhanh hơn.

Trong một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, ngân hàng là khu vực đi tiên phong trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ với Thông tư 01 trực tiếp đồng hành với doanh nghiệp. Đồng thời các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi tiền vay và cho vay ưu đãi mới.

Sau 6 tháng đã hỗ trợ được hơn 248.000 khách hàng với tổng dư nợ 720.000 tỷ đồng chủ yếu là cơ cấu lại nợ. Thông tư 01 đã thể hiện được sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, giúp họ thoát khỏi nợ xấu, giảm chi phí quản lý… nhằm khôi phục tình hình kinh doanh trong thời gian tới.

“Từ đây đến cuối năm, chúng tôi yêu cầu các ngân hàng không được nói thiếu vốn nếu như các doanh nghiệp có phương án kinh doanh. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 14%, nếu tính tới tháng 10 này đã ghi nhận 6% vậy còn lại 8% cần hoàn thành. Tính trên dư nợ ở TPHCM thì số phần trăm này ước tính còn 200.000 tỉ đồng cho vay cuối năm. Nếu ngân hàng nào hết room tín dụng thì liên hệ với NHNN để được xem xét nới rộng ra”, ông Minh cho hay.

Đáng chú ý, kể từ tháng 6 NHNN đã chủ động điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay cho những ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thay vì áp một mức chung cứng nhắc.

Do đó, việc các nhà băng buộc phải đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm để đạt được mục tiêu đề ra tránh trường hợp có thể bị NHNN cắt hoặc giảm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm sau.

Ngoài ra, việc đạt mục tiêu dư nợ trong năm nay cũng là cách để tạo nền tảng cao hơn cho con số tăng trưởng trong năm kế tiếp.

Cơ sở để tăng trưởng

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, NHNN đã quyết định gia lùi thời hạn điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được cho là động lực thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng trong thời gian tới.

Trước đó, nỗi lo nợ trung dài hạn có nguy cơ gia tăng khi nợ xấu, nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tăng vọt đã  khiến nhiều nhà băng càng e ngại cho vay trung dài hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm chạp của toàn ngành, một số tổ chức tín dụng vẫn phát đi tín hiêu tích cực như MSB, TPBank và VIB đều có mức tăng trưởng tín dụng khá cao hơn 15% trong 9 tháng đầu năm 2020, LienVietPostBank tăng hơn 13%, OCB, Bản Việt, Viet A Bank cũng đều ghi nhận tăng trưởng gần 12%.

Hơn nữa, việc các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước như Vietinbank, Vietcombank hay BIDV đang đứng trước cơ hội tăng vốn sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ điểm nghẽn tăng vốn của nhóm này trong nhiều năm nay.

Ngoài ra, các ngân hàng này cũng sẽ có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên cao hơn, nhất là Vietinbank vốn bị hạn chế các mục tiêu tăng trưởng do bị níu chân bởi hệ số an toàn vốn (CAR) trong hơn 3 năm trở lại đây.

Mới đây, VietinBank cũng đã nhanh chóng xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại của các năm 2017, 2018 và 2019.

Trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi kết thúc dịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế .

Có thể bạn quan tâm