Động lực tăng trưởng đang chờ được khai mở

Với những giải pháp quyết liệt, giao việc cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã và đang tỏ rõ sự kiên định, nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7
Động lực tăng trưởng đang chờ được khai mở

Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, không phải là quá khó, song cũng có những lo ngại khi đây là năm thứ 2 trong kế hoạch 5 năm (2016-2020) Việt Nam phải sử dụng các giải pháp mang tính ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng.

Không từ bỏ mục tiêu 6,7%

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế năm 2017 là 6,7%, với kết quả tăng trưởng quý I là 5,15%, quý II là 6,17% thì tăng trưởng quý III phải đạt tối thiểu 7,23% và quý IV là 7,57%. Đây là một thách thức lớn cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Với quyết tâm cao độ, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại chỉ tiêu của mình, đưa ra những giải pháp để đạt mục tiêu đã đề ra. Thậm chí Chính phủ đã không ngần ngại đưa ra những mục tiêu đột phá, trong đó phải kể đến đề xuất nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng GDP. 

Cụ thể, ngành ngân hàng đã được nới trần tăng trưởng tín dụng lên 21-22%, thay vì 18% như mục tiêu đã được phê chuẩn. Ngành Công Thương, bên cạnh mục tiêu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, cũng đã được giao xem xét việc điều chỉnh tăng sản xuất 1 triệu tấn thép và khai thác  thêm 1 triệu tấn than.

Theo tính toán, 1 triệu tấn thép sẽ góp phần tăng 0,08% GDP và 1 triệu tấn than sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP 0,17%. Đối với vấn đề đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để đạt tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP. Với mục tiêu xuất khẩu, Thủ tướng lưu ý cần có các biện pháp cân đối, thúc đẩy XK để vượt mức XK 205 tỷ USD cả năm, đồng thời giảm nhập siêu…

Những chỉ đạo này cho thấy Chính phủ quyết tâm đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% và điều này cũng dễ hiểu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, sở dĩ cần quyết tâm đạt được mục tiêu này là do Chính phủ đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7%, trong khi năm 2016 chúng ta đã trễ hẹn mục tiêu đề ra, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đây là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn, chưa tính tới trong điều hành kinh tế, có một số chỉ số vĩ mô bị ràng buộc bởi GDP, như tỷ lệ thâm hụt ngân sách (bội chi) và nợ công.

Nhiều động lực

Câu hỏi đặt ra là, vậy đâu là động lực và tiềm năng tăng trưởng để Chính phủ nỗ lực đạt được mục tiêu này? Theo dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại và cả năm 2017 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), từ giữa quý II/2017, kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng toàn nền kinh tế có thể đạt mức khá khi cả ba động lực chính của tăng trưởng là khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cùng được cải thiện.

Ngoài ra, nửa cuối năm 2017 vốn FDI được dự báo sẽ đạt kết quả tích cực nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi của nền kinh tế, vốn FDI thực hiện năm 2017 duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2016 và đạt khoảng 15,3 tỷ USD. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2017. Tăng trưởng tiêu dùng cũng được dự báo tương đối khả quan trong những tháng cuối năm 2017.

Liên quan đến động lực tăng trưởng, mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, “chìa khóa tăng trưởng nằm ở khu vực tư nhân”. Thực tế cho thấy, nửa đầu năm 2017, đã có hơn 72 nghìn DN mới được thành lập, nhưng điều đáng mừng là không chỉ tăng 13% về số lượng, số vốn đăng ký của các DN này lên tới 690.738 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2016. Số vốn đầu tư tăng cao cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh đã được cải thiện và sẽ đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ  Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, dự kiến giải ngân vốn đầu tư công của năm 2017 sẽ đạt xấp xỉ 100%, đây cũng là mục tiêu để tính phương án tổng đầu tư toàn xã hội tính cho GDP cả năm 2017 (dự kiến chiếm khoảng 1,7 triệu tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư công chiếm khoảng 350 nghìn tỷ đồng.

Cùng với vốn FDI, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân… thì con số 1,7 triệu tỷ đồng này là khả thi. Ông Trần Quốc Phương tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và ODA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Tăng trưởng - câu hỏi mở

Tuy quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng Thủ tướng nhấn mạnh "tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả, không thể ép sản xuất bằng mọi giá mà không có hiệu quả, ít ra là phải thu hồi vốn, không thua lỗ. Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng rất quan trọng".

Trên thực tế, đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá của các chuyên gia kinh tế bởi có không ít nỗi lo từ những giải pháp đã và đang được Chính phủ thực hiện. Theo các chuyên gia, động lực có, nhưng khai mở động lực cho tăng trưởng theo cách nào để phát triển bền vững chính là vấn đề đáng bàn nhất hiện nay.

TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từng băn khoăn về vấn đề này. Theo ông Thành, năm 2017 có đặc điểm khác biệt là ngay từ đầu năm Chính phủ đã quyết tâm rất cao trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra là 6,7%, bất chấp nhiều cảnh báo đó là mức kém khả thi.

Các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi.

Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý hiện tượng tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các DN FDI lớn.

Mới đây, báo cáo tổng hợp các ý kiến, phân tích của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên. Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế.

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo đó cũng cần phải chạy đua với thời gian. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, 6,7% không quá khó, song cũng có nhiều ý kiến cho rằng khả năng nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,7% như theo kế hoạch cũng như duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn vẫn là một câu hỏi mở. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Việt Nam có thể cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng hiện nay hay không vì đây mới là nhân tố chính quyết định Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai.

Theo Hải quan

baohaiquan.vn/pages/dong-luc-tang-truong-dang-cho- http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-luc-tang-truong-dang-cho-duoc-khai-mo.aspx

Có thể bạn quan tâm