Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Cầu cứu ai để “thoát hiểm”?

“Lận đận” 10 năm chưa xong, liên tục phải điều chỉnh vốn, nay lại dính thêm lùm xùm về tiền thầu xây dựng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (dài hơn 13km) cần phải làm gì để “thoát dớp”?
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Cầu cứu ai để “thoát hiểm”?

Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Việt Nam đang phải trả khoảng 30 triệu USD/năm tiền lãi. Vậy mà mới đây, Tổng thầu xây dựng - Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc lại đòi thêm 50 triệu USD trước khi bàn giao. Số tiền này là phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC đang làm thủ tục giải ngân, không phải là chi phí tăng thêm của hợp đồng – theo khẳng định của Bộ Giao thông Vận tải.

Thông tin này ngay lập tức trở thành “tin nóng” đối với giới truyền thông bởi vốn dĩ, hơn một thập kỷ qua, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông luôn là một "cái gai" trong mắt đa số người dân Hà Nội khi chưa biết bao giờ sẽ được vận hành để đáp ứng nhu cầu di chuyển của họ.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế thể hiện một thái độ vô cùng mạnh mẽ rằng, Việt Nam không nên/không cần thiết phải chi thêm bất cứ một khoản tiền nào cho dự án này, thậm chí còn đề nghị phải kiểm toán, trình Quốc hội giám sát, báo cáo cho toàn dân và thế giới biết.

Về vấn đền này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là vấn đề nảy sinh từ khó khăn về nguồn vốn của Tổng thầu xây dựng, chỉ là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không phải là văn bản chính thức nên Bộ này sẽ không xem xét đề nghị này.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: nếu Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc gửi văn bản kiến nghị chính thức vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải có (phải) xem xét?

Hãy nhớ, chúng ta đã phải “thoả hiệp” với Tổng thầu để xây dựng dự án này bằng cách cho dự án từ đội vốn (552 triệu USD lên gần 869 triệu USD) và đội thời gian xây dựng (từ 2 năm lên đến 10 năm). Chính sự thoả hiệp này đang cho thấy một hệ luỵ không nhỏ với nền kinh tế.

Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Việt Nam dường như rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Vậy nên, áp lực của Bộ Giao thông Vận tải đang rất lớn: Thoả hiệp với tổng thầu để dự án được đi vào hoạt động (dù chưa có sự đảm bảo chắc chắn nào) hay kiên quyết từ chối khiến để dự án tiếp tục rơi vào "bế tắc"?

Trước vấn đề hóc búa này, ai sẽ có đủ khả năng, đủ quyền hạn, đủ chức trách để giải quyết vấn đề? Nếu họ chính thức yêu cầu hoặc không chính thức yêu cầu thì Việt Nam sẽ chọn hướng giải quyết nào? "Đại dự án" đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang rất cần một người có đủ bản lĩnh để gỡ vướng.

Và vấn đề là, ai sẽ (chịu) đứng ra chịu trách nhiệm viết tiếp vận mệnh cho dự án này: Bộ Giao thông Vận tải với đại diện là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hay sẽ là một công văn cầu cứu để Thủ tướng Chính phủ là người quyết định?

Nếu người cần/phải đứng ra không đủ khả năng và bản lĩnh thì dự án này rất dễ trở thành "đại dự án" thứ 13 gây ám ảnh và là "tội đồ mới" của nền kinh tế.

"Một dự án sử dụng 669 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi, chỉ có hơn 198 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam, được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, do một doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nào về đường sắt nhưng được Chính phủ Trung Quốc chỉ định thực hiện… chẳng phải là một “bẫy nợ” tồi tệ nhất mà Việt Nam đang gánh chịu?" - một chuyên gia đặt câu hỏi.

Có thể bạn quan tâm