Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) được Chính phủ phê duyệt (QĐ 367/TTg) 930ha, trong đó: khu trung tâm 770ha và 160ha để tái định cư cho dân, đáng nói sau 6 năm án binh bất động, đến ngày 22/3/2002, vă
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?

Kỳ I: “Giấy thông hành” cho quá trình phá nát

Điều đáng nói là sau 6 năm án binh bất động sau khi được Chính phủ phê duyệt, đến ngày 22/3/2002, văn phòng UBND TP.HCM ban hành một lúc hai thông báo:

77/TB-VP và thông báo hoả tốc 78/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Lê Thanh Hải: Giao cho kiến trúc sư trưởng TP, Giám đốc Sở địa chính nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào trung tâm ĐTMTT, đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn Q.2 đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha đất để xây dựng khu TĐC thuộc khu ĐTMTT, tính đến việc thu hồi đất của các dự án chậm triển khai theo thời hạn luật định.

Bên cạnh đó, giao Trưởng Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng khu ĐTMTT phối hợp kiến trúc sư trưởng hoàn chỉnh nội dung hướng dẫn điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết Khu ĐTMTT trình UBND TP.HCM phê duyệt ban hành. Trên cơ sở nội dung đã chuẩn bị phân định rõ nội dung có tính nguyên tắc và các gợi ý định hướng nghiên cứu nhằm nêu bật được ý đồ quy hoạch theo chỉ đạo cuả Ban thường vụ Thành uỷ…

Như vậy, bằng việc ra đời công văn 77/TB-VP, UBND TP.HCM, đã thể hiện rõ chỉ đạo Sở Địa chính và Kiến trúc sư trưởng phải cắm mốc giao đủ 770ha đất cho khu trung tâm. Tuy nhiên, điều đáng nói là UBND TP.HCM sẽ lấy đất ở đâu để giao đủ 770ha, trong khi theo theo Tờ trình 1861/TT-UB-QLĐT ngày 27/5/1996 thì trong 770ha đã có 130ha mặt nước sông Sài Gòn nghĩa là chỉ còn 640ha mặt đất. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu UBND TP.HCM muốn có đủ 770ha đất trung tâm thì phải cắt phần đất 160 ha TĐC của dân để bù vào, hoặc phải lấp 130ha mặt nước sông Sài Gòn (mà điều này thì không được làm).

Theo phản ánh của người dân cũng như theo tìm hiểu của chúng tôi thì chính đây là văn bản cũng như là “tấm vé thông hành” đắc dụng nhất để ngay sau đó, khu ĐTMTT dần dần bị băm nát, thay đổi hoàn toàn so với quy hoạch chi tiết mà UBND TP.HCM đã thuê công ty SASAKI thiết kế và được Bộ Xây dựng thẩm định.Cũng trong ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND TP.HCM lại ra tiếp một Công văn hoả tốc cũng truyền đạt ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải như sau: Xác định diện tích đất dành cho tái định cư phục vụ đền bù giải toả cho khu ĐTMTT phải đảm bảo đủ 160ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết tập trung ở một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn Q.2.

Nếu căn cứ theo sự chỉ đạo trên thì khu TĐC của người dân đã bị “đánh bật” ra khỏi quy mô 930ha đã được chính phủ phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc UBND TP tự quyền điều chỉnh cả về quy mô và phạm vi QH trái trái với QH chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 367/TTg. Và nếu nói như đại đa số người dân thì UBND TP đã phá vỡ QH xây dựng khu ĐTMTT ngay từ trong trứng nước.

Vì sao UBND TP.HCM phải “di dời” khu TĐC thành nhiều điểm?

Xin nhắc lại, trong đồ án QH chung xây dựng khu ĐTMTT (tỷ lệ 1/5000) và đề án QHCT xây dựng khu ĐTMTT tỷ lệ 1/2000 do công ty SASAKI lập đều thống nhất một khu trung tâm ĐTMTT quy mô 737ha với các bản đồ thể hiện đầy đủ, đồng bộ, hoàn chỉnh về không gian kiến trúc đô thị như: các ô phố, các khu nhà hoàn chỉnh, các khu chức năng, hệ thống công viên cây xanh, kênh rạch, hồ nước, hệ thống cầu đường…tất cả đều liên thông, liền mạch và không hề có khu nào là khu đô thị chỉnh trang mà UBND TP đã tự “sáng tác” ra sau này.

Mặt khác, tại bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai đi kèm QĐ 367/TTG của Chính phủ đã thể hiện khu TĐC liền kề với khu trung tâm, đồng thời ranh giới giữa hai khu này là những đoạn rõ ràng…nhưng tại bản đồ quy hoạch sử dụng đất (land use plan) do công ty SASAKI xác lập được đính kèm với QĐ phê duyệt 6565 và 6566 đã được UBND TP cho vẽ một đường dích zắc, lắt léo, thò lên, thụt xuống theo ranh giới của các dự án tư nhân, đang được phân lô, bán nền và coi đó là ranh quy hoạch của khu trung tâm. Đưa 28 dự án tư nhân ra khỏi ranh quy hoạch mà thực tế đây chính lại là đất để TĐC cho dân?

Theo tìm hiểu, ranh quy hoạch này đã được UBND TP đưa vào bất hợp pháp, trái hoàn toàn với ranh của QĐ 367/TTG đã được Chính phủ phê duyệt. Với động tác này, UBNDTP đã đem được một phần đất TĐC (trong số 160ha) dành cho dân ở phường Bình Khánh nhập vào khu trung tâm tạo thành khu dân cư phía Đông. Mặt khác, 28 dự án phân lô, bán nền nằm trong khu vực 80ha chỉnh trang chính là một phần trong số 160ha đất tái định cư của dân đã bị xẻ thịt, chia phần cho các công ty tư nhân.

Có thể chứng minh thêm ranh quy hoạch khu trung tâm ĐTMTT được thành phố vẽ nên sau này là bất hợp pháp nhằm tránh không đụng vào các dự án tư nhân này bởi, công ty SASAKI đã nghiên cứu hoàn chỉnh 737 ha chứ không nghiên cứu tách ra làm hai phần 657ha và 80ha chỉnh trang. Điều này càng được nhận thấy rõ ràng hơn khi phần đất 80 ha chỉnh trang các khu chức năng có số liệu bỏ ngõ (chưa được nghiên cứu), còn cơ cấu sử dụng đất của khu trung tâm ĐTM 657ha theo QĐ6565 thì cử tri nghi vấn không phải là số liệu thiết kế riêng của đồ án QHCT 657ha mà là số liệu “sàng sê” từ số liệu nghiên cứu 737ha mà có bởi UBND TP không thể bỏ cả hàng trăm nghìn USD để mua một bản thiết kế dở dang từ công ty SASAKI.

Theo phản ánh của người dân, việc UBND TP.HCM “đẻ” thêm ra 80ha khu chỉnh trang là một mũi tên bắn trung nhiếu đích. Thứ nhất, TP sẽ hợp thức hoá được việc giao trái luật 80ha đất TĐC của dân mà các cấp chính quyền đã giao trái phép cho 27 công ty tư nhân trước đó, hoàn tất quá trình di chuyển khu TĐC của dân ra thành nhiều điểm khác nhau và ở nhiều nơi chứ không nhất thiết phải ở giáp ranh khu trung tâm.

Tiếp đó, TP dùng QĐ 6565 và 6566 đưa khu đô thị chỉnh trang ra ngoài phạm vi quy hoạch chi tiết xây dựng khu ĐTMTT để các chủ đầu tư 27 dự án này không bị thu hồi đất theo QĐ số 1997/QĐ-UB mà đúng ra TP phải thu hồi đất QH đã được giao bất hợp pháp nhưng TP đã không làm như thế, trái lại lại quyết liệt thu hồi đất đang sử dụng hợp pháp của dân, tạo ra sự bất công xã hội gay gắt, dân không thể đồng tình.

Do đó, 28 dự án này đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn tất việc kinh doanh địa ốc. Mặt khác, việc làm này của UBND TP.HCM đã vô tình tiếp tay cho một số dự án có đất ở ven sông Sài Gòn đắp kè, lấn chiếm sông để mở rộng thực hiện dự án trước khi có QHCT xây dựng chỉnh trang riêng cho khu 80ha được phê duyệt. Điển hình cho việc lấn sông này là: Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, công ty Tân Hồng Uy…

Việc lấn sông lấy đất tạo nền này không những phá vỡ QHCT công viên bờ sông của khu dân cư phía Bắc mà còn làm thay đổi hướng dòng chảy, làm mất ổn định dòng chủ lưu của sông Sài Gòn; đồng thời, mặt cắt sông bị co hẹp, làm cho đỉnh triều sông Sài Gòn dâng cao đáng kể, tăng nguy cơ ngập úng khu vực nội thành và vùng lân cận, tăng khả năng gây sạt lở bờ sông cả ở thượng lưu (ở Thanh Đa) cũng như cả ở hạ lưu (Nhà Bè).

Theo TÙNG QUANG - Đại Đoàn Kết

Có thể bạn quan tâm