Dự án triệu đô khiến Trịnh Xuân Thanh “ngã ngựa”

Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, ngày 1/8, Thanh tra Chính phủ đã họp về tiến độ thanh tra liên quan đến Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí (PVC).
Dự án triệu đô khiến Trịnh Xuân Thanh “ngã ngựa”

Thông tin ban đầu cho thấy, Trịnh Xuân Thanh rơi vào vòng lao lý liên quan đến khoản lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013) tại PVC. Không những thế, căn biệt thự toạ lạc tại thị trấn Tam Đảo thuộc Cty TNHH Đầu tư Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ ông Thanh) có liên quan đến ông Thanh cũng bị cơ quan điều tra “phong tỏa”.

Hàng loạt bị can bị bắt tạm giam

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (ở Thái Thụy, Thái Bình) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, và PVC (thành viên của tập đoàn) làm Tổng thầu EPC. Dự án khởi công năm 2011, công suất thiết kế 1.200MW, tổng mức đầu tư 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Tại dự án này, ngày 16/2/2017, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC. Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố thêm 5 bị can.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam các ông: Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc; Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, để điều tra cùng hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng trong năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để: Thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng; Thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) 55 tỷ đồng; Hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; Hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; Hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng.

Tiếp đó, tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (ở huyện Châu Thành, Hậu Giang) được khởi công ngày 16/5/2015, do PVN làm chủ đầu tư, Tổng Cty Lắp máy VN (Lilama) làm Tổng thầu EPC, PVC cũng nhận được 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng theo cơ chế “chỉ định thầu”.

Sau khi nhận được các gói thầu “khủng”, PVC đã chia nhỏ các gói thầu này rồi ký kết với các đơn vị thành viên. Cụ thể, ngày 25/4/2016, tại Hậu Giang, PVC ký hợp đồng với các gói thầu thuộc dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với các nhà thầu phụ (Cty con), như Cty CP Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PVC-IC); Cty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD), bao gồm gói thầu thi công xây dựng các hạng mục thuộc nhà máy chính, bãi thải xỉ…, tổng trị giá gần 1.400 tỷ đồng.

Tại dự án này, PVC liên danh với GEOVIETNAM triển khai thực hiện hạng mục thiết kế bản vẽ thi công và thi công xử lý nền có trị giá trên 519 tỷ đồng. Gói thầu Cung cấp và thi công bấc thấm, tường sét của dự án được giao cho GEOVIETNAM thực hiện với giá trị gói thầu gần 139 tỷ đồng. Tới ngày 1/6/2016, PVC và các nhà thầu phụ là Cty CP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS); Cty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PVC-PT) đã ký hợp đồng thi công 2 hạng mục Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Lòng vòng sở hữu biệt thự triệu đô

Liên quan đến khu biệt thự tọa lạc trên diện tích 3.400m2 đất vàng tại thôn 1 thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, khu đất trên đã trải qua nhiều chủ nhân. Cty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) số 2300452787 do Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp lần đầu ngày 24/6/2009 đăng ký đổi lần 4 ngày 18/3/2011. Người đại diện là ông Đỗ Văn Hồng (SN 1967) trú tại phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh.

Đến ngày 17/8/2011, PVC Kinh Bắc đã chuyển nhượng ngôi biệt thự cùng thửa đất trên cho Cty TNHH Đầu tư Mai Phương theo GCNĐKDN số 0105351213 do Phòng đăng ký kinh doanh số 1, Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp ngày 8/6/2011. Địa chỉ số 65C, đường Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Người đại diện là ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ của Trịnh Xuân Thanh), chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên (SN 1939) trú tại phường Thành Công, Ba Đình, TP Hà Nội.

Tiếp đó, Cty TNHH Đầu tư Mai Phương được chuyển về địa chỉ Số 24 -C2 khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Thời điểm này, người đại diện pháp luật là bà Trần Dương Nga. Điều đáng nói, địa chỉ giao dịch của Cty tại thời điểm này trùng với địa chỉ thường trú của bị can Trịnh Xuân Thanh.

Sau đó, phần vốn góp của Cty TNHH Đầu tư Mai Phương tiếp tục chuyển cho người khác vào tháng 4/2017. Cụ thể, người đại diện pháp luật Cty lúc này là ông Kiều Đào Lâm. Điểm giao dịch của Cty được chuyển về thôn 1, thị trấn Tam Đảo, Huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, người có tên Kiều Đào Lâm cho rằng, đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp và tài sản trên đất của Cty TNHH Đầu tư Mai Phương từ bà Trần Dương Nga.

Theo GCNĐKDN số 0105351213 của Cty TNHH Đầu tư Mai Phương kinh doanh các ngành nghề sau: Buôn bán đồ cho gia đình; sửa chữa máy móc thiết bị; phá dỡ; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa chỉnh hình và phục hồi chức năng; gia công cơ khí; buôn bán thiết bị vật liệu xây dựng; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; lắp đặt hệ thống cấp thoát nước; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp…

Theo Minh Đức/Tiền Phong

>> Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau 1 năm lẩn trốn

Có thể bạn quan tâm