Dự cảm xuân 2018: Ngân hàng "sống khỏe", lãi suất sẽ khó giảm

"Việc giảm lãi suất hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức do các ngân hàng vẫn còn vướng mắc về nợ xấu, chi phí hoạt động còn cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn v
Dự cảm xuân 2018: Ngân hàng "sống khỏe", lãi suất sẽ khó giảm

Đó là quan điểm của TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính đến từ Đại học Ngân hàng TP.HCM khi khẳng định với Thương Gia.

Lợi nhuận ngân hàng "bừng sáng"

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017?

Có thể nói rằng, các ngân hàng có hoạt động tín dụng cải thiện đáng kể, kéo theo nguồn thu từ dịch vụ, góp phần làm tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Đến thời điểm này, cả 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017. Trong đó, Vietcombank chính thức "cán đích" dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận trước thuế lên tới 11.018 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. VietinBank có mức lãi trước thuế cũng lên tới 9.206 tỷ đồng. BIDV khả quan không kém so với năm trước tăng thêm hơn ngàn tỷ đưa lợi nhuận 2017 lên mức 8.800 tỷ đồng. Agribank sau bao năm "ngậm ngùi" do phải tái cơ cấu nay cũng bất ngờ bừng sáng với lợi nhuận trước thuế 5.018 tỷ đồng.

Hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận trong các NHTM cổ phần là NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với mức lợi nhuận trước thuế đạt 8.125 tỷ đồng. Các ngân hàng khác cũng thông báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong đó, Ngân hàng Quân đội (MB) đạt 5.355 tỷ đồng, Techcombank đạt 3.997 tỷ đồng, HDBank đạt 2.420 tỷ đồng…

Ngoài sự cải thiện về lợi nhuận thì một điểm tích cực khác của hệ thống ngân hàng trong năm 2017 chính là tỷ lệ nợ xấu giảm khá mạnh so với năm 2016. Hoạt động quản trị điều hành cũng đang có nhiều chuyển biến mới tại nhiều NHTM hiện nay.

"Việc xử lý nợ xấu trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ nhanh hơn kể khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời.

Như ông vừa nói, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đã giảm khá mạnh, chẳng hạn như Sacombank đã xử lý được khoảng 19.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 6,8% hồi đầu năm 2017 xuống còn 4,28% vào cuối năm 2017. Theo ông, kết quả đạt được này là do đâu?

Ngoài các nguyên nhân đến từ chính sách, điều hành của Chính phủ như việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành và có hiệu lực, nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng, thị trường bất động sản sôi động… thì tôi cho rằng, kết quả đạt được đến từ sự chủ động, tích cực của các ngân hàng.
Như với Sacombank, ngân hàng này đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch cho việc bán đấu giá các tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ tốt nhất. Các tổ chức tham gia đấu giá đều nhận định đây là các bất động sản rất có tiềm năng về đầu tư và không dễ tìm được các quyền sử dụng đất diện tích lớn và tập trung như vậy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, một khi được khai thác tốt, các tài sản có khả năng mang lại nguồn thu lớn.
Làn sóng lên sàn

Từ 15/1/2018, Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung, quy định: Chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng sẽ không được làm lãnh đạo ở các công ty khác. Quy định này tác động đến lĩnh vực ngân hàng như thế nào, thưa ông?

Quy định này sẽ giúp lành mạnh hoá hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, tránh việc cấp tín dụng dễ dãi, sai quy trình của Ngân hàng nhà nước và quy định khác của pháp luật. Đồng thời, cũng tránh làm mất mát tài sản của các TCTD vì khi sở hữu chồng chéo thì việc chuyển đổi, mua bán tài sản giữa TCTD này với các DN đó sẽ không trung thực, từ đó dẫn đến sự mất mất tài sản của TCTD.

Mặt khác, quy định này sẽ giúp hạn chế rủi ro cho ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng, kinh doanh ngoại hối, thanh toán… Từ đó, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh ngân hàng khi mà việc này giảm được rủi ro, lành mạnh hoá trong kinh doanh và hạn chế tối đa sự vi phạm pháp luật của các TCTD, DN, cơ quan quản lý nhà nước

Theo ông, đâu là những điểm "then chốt" mang tính chất quyết định cho triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2018?

Tôi cho rằng đó là vấn đề tăng cường vốn. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nên nhiều ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội để lên sàn trong năm 2018 nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, từ đó có thể gia tăng nội lực tài chính. Hồi đầu tháng 1/2018, HDBank đã khởi động làn sóng lên sàn của các ngân hàng và tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tiên tại mức giá hơn 39.000đ/cổ phiếu. Sau HDBank sẽ có thêm các ngân hàng như Techcombank, TPbank, OCB, Bắc Á, Hàng Hải lên sàn. Trước thềm niêm yết, HDBank đã tăng vốn điều lệ từ 8.829 tỷ đồng lên gần 9.810 tỷ đồng.

Không chỉ có cơ hội tăng thêm vốn điều lệ, việc lên sàn sẽ giúp các ngân hàng minh bạch hơn và tạo được thương hiệu tốt hơn, từ đó thu hút tiền gửi từ khách hàng. Dù vậy, việc huy động vốn từ khách hàng trong năm 2018 có thể không nhiều thuận lợi như năm 2017. Chính vì vậy, kỳ vọng nguồn vốn từ tăng vốn điều lệ và đặc biệt là từ xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng có thêm tiền để kinh doanh.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ nhanh hơn kể khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời. Các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tăng cường phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi để huy động nguồn vốn trung dài hạn.

Bên cạnh đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn khi Luật sửa đổi bổ sung luật các TCTD đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho những giải pháp của NHNN hỗ trợ lộ trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Những quy định mới này không những hỗ trợ những ngân hàng yếu kém mà còn giúp các TCTD được chỉ định hỗ trợ ngân hàng yếu kém thì khả năng sẽ có thêm các TCTD tham gia tái cấu trúc ngành ngân hàng.

Chính phủ vừa phát đi thông điệp về mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhưng trong bối cảnh hiện nay, theo ông việc giảm lãi suất liệu có khả thi?

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm, một số ngân hàng đã bắt đầu rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay, đặc biệt là ccác DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, DNNVV, DN khởi nghiệp. Trong đó, Agribank, Vietcombank, VPBank là 3 ngân hàng đầu tiên phát đi thông báo điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, mức hạ vào khoảng 0,5-1%.

Việc giảm lãi suất ở một số ngân hàng hiện nay là một tín hiệu tốt, báo hiệu có thể có làn sóng giảm lãi suất trên diện rộng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức do các ngân hàng vẫn còn vướng mắc về nợ xấu, chi phí hoạt động còn cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn với nhiều nước trong khu vực...

Nếu nhìn vào lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ 5 năm hiện nay là 4,52%, lãi suất phát hành trái phiếu chỉnh phủ 30 năm hiện nay là 6,12%. Đây đều là những lãi suất thấp do có rủi ro gần như bằng 0. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay do còn thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác và nhiều loại rủi ro phát sinh đặc biệt là rủi ro tín dụng còn lớn nên lãi suất cho vay các DN vẫn cao. Đây sẽ là thách thức chính của hệ thống ngân hàng bên cạnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá, GDP tiếp tục có mục tiêu tăng cao, cán cân thương mại.

Vì vậy, theo tôi, việc giảm lãi suất trên diện rộng trong ngắn và trung hạn trong thời gian tới là vô cùng khó.

Xin cảm ơn ông!

Bà Phạm Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc:

"Dự báo năm 2018, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng tương đương với 3 năm gần đây, vào khoảng 18% -19%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh, có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung dài hạn và tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn. Thanh khoản hệ thống năm 2018 được dự báo tương đối ổn định.

Với những tiền đề về tài chính như vậy, các DN sẽ có nhiều lợi thế để phát triển bền vững. Với những DN có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh (đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ) sẽ được hưởng ưu đãi không chỉ về lãi suất mà còn được hưởng các dịch vụ khác như tín dụng, thanh khoản…"

Có thể bạn quan tâm