Dư nợ tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp "lệnh" siết

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, trong 11 tháng vừa qua dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố đạt 252.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ, tăng 9,6% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp "lệnh" siết

Cũng theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, tính đến ngày 30/11/2019, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng tại TP.HCM đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% ; huy động vốn tăng 11,9% so với đầu năm.

Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản đạt 252.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố, tăng 9,6% so với đầu năm.

Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản.

Mới đây, NHNN ban hành thông tư 22 theo hướng tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Cụ thể, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ này giảm từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%. Từ đầu tháng 10/2020 đến hết 30/9/2021, giảm về 37% và từ đầu 2021 đến hết 30/9/2022, giảm về 34%. Từ sau 1/10/2022 trở đi, tỷ lệ này được đưa về mức tối đa là 30%.

Trước đó, NHNN đề xuất hai phương án với chủ trương giảm theo lộ trình, đưa tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%.

Hiện nay, các khoản cho vay trung và dài hạn phần lớn trong lĩnh vực bất động sản. Quy định này giúp kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, hệ số rủi ro đối với khoản cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng từ 150% lên 200% theo quy định mới. Khoản cho vay với mục đích gián tiếp kinh doanh bất động sản cũng được áp dụng hệ số rủi ro 200%. Với các khách hàng vay tiêu dùng với tổng giá trị từ 4 tỷ đồng sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ đầu 2020 đến hết năm 2020 và nâng lên 150% kể từ đầu năm 2021.

Tài sản có rủi ro là một trong những chỉ tiêu để tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các nhà băng. Với việc áp dụng các hệ số rủi ro mới này, tỷ lệ an toàn vốn của các nhà băng cho vay bất động sản và tiêu dùng sẽ giảm xuống và có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tín dụng trong tương lai.

Bên cạnh đótỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định mới cũng được điều chỉnh là 85%. Thông tư 36 trước đây quy định, tỷ lệ này với ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, ngân hàng hợp tác xã là 80%, ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 80%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%.

Có thể bạn quan tâm